Chung tay giúp đỡ cô giáo Thanh

Chung tay giúp đỡ cô giáo Thanh

(GD&TĐ) - Ngôi nhà nhỏ dưới chân lèn Chiền (xóm 5, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lâu nay vắng bóng người phụ nữ. Tai biến sau phẫu thuật khiến chị trở thành người sống thực vật. Nếu không có tiền chữa trị kịp thời, chị sẽ không thể tỉnh lại được nữa.

Men theo con đường đất quanh co dưới lèn Chiền, chúng tôi tìm đến nhà cô giáo Nguyễn Thị Thanh (Phó Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Khác với sự tĩnh lặng thường ngày, hôm nay anh Lê Công Đương (chồng cô Thanh) đi chăm vợ ở Hà Nội về nên mọi người đến hỏi thăm tình hình sức khỏe của vợ anh. Nỗi buồn tủi dồn nén từ lâu nay như có dịp được chia sẻ nên khi chúng tôi hỏi chuyện, bà Nguyễn Thị An (mẹ chồng cô Thanh) ứa nước mắt: "Không biết đến khi mô thì mẹ hắn tỉnh mà về nuôi con".
 
Cách đây hai năm, cứ mỗi khi trái gió trở trời cô Thanh lại bị những cơn đau đầu hành hạ. Tháng 1/2011, đi khám bác sỹ cô được chẩn đoán là viêm xoang bướm (chạng 3), thông động mạch xoang hang và được chỉ định phẫu thuật. "Bước ra khỏi phòng phẫu thuật các bác sỹ thông báo là ca mổ đã thành công. Rứa mà không biết răng bệnh nhân cứ nôn rồi chìm vào hôn mê luôn", anh Đương cho biết.

  Cô Thanh đang được điều trị tại BV Y học cổ truyền TƯ.
Cô Thanh đang được điều trị tại BV Y học cổ truyền TƯ.

Sau 4 ngày theo dõi hậu phẫu, tình trạng của cô Thanh vẫn không có chuyển biến gì. Kiểm tra, các bác sỹ cho biết cô Thanh bị xuất huyết não nặng. Trước diễn biến xấu, cô Thanh được chuyển từ Bệnh viên đa khoa Nghệ An ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tại đây các bác sỹ kiểm tra lại và chuyển cô vào phòng cấp cứu đặc biệt.
 
Kết quả kiểm tra cho thấy bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh bị nhồi máu não và hôn mê sâu. Những ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chi phí chăm sóc, ăn ở đi lại cũng khiến gia đình xoay xở không nổi. Trước phẫu thuật, mặc dù đã được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế nhưng gia đình đã phải vay mượn lãi suất cao hơn 80 triệu đồng để đóng viện phí và các chi phí phẫu thuật khác.
 
Anh Đương thở dài: "Vừa rồi Bệnh viện Bạch Mai chuyển vợ tôi sang Bệnh viện Y học cổ truyền TƯ, toàn bộ chi phí chữa trị gia đình phải chịu. Trung bình mỗi ngày riêng tiền thuốc đã là 1 triệu đồng. Các bác sỹ nói chỉ có thể điều trị thuốc liều cao thì mới hy vọng tỉnh lại được. Mà thuốc liều cao phải mất từ 10 - 50 triệu đồng, có bán nhà đi cũng không đủ...". Số tiền vay nóng hôm phẫu thuật đã quá hạn từ lâu, biết là không trả sớm lãi mẹ đẻ lãi con nhưng hiện tại anh Đương vẫn không biết xoay đâu ra tiền để lo thuốc thang cho vợ và trả nợ. Anh em đều nghèo cả, mỗi gia đình cho anh vay 10 triệu đồng cũng đã khó khăn lắm rồi.
 
Đau buồn trước bệnh tình của mẹ cũng những khó khăn về tài chính, cô con gái Lê Thị Mai Phương (sinh viên Khoa kế toán trường ĐH Nha Trang) nhất quyết đòi bỏ học. Tâm sự qua điện thoại với chúng tôi, Phương cho biết: "Em không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ lúc này. Bớt khoản tiền lo cho em bố sẽ có thêm tiền để thuốc thang cho mẹ". Biết được tâm sự của em, cả gia đình xúm vào động viên em tiếp tục học. Suốt mấy tháng qua, toàn bộ sinh hoạt phí, học phí của em đều do thầy Nguyễn Đình Long - một người bạn thân của gia đình em gửi vào.
 
Vì hoàn cảnh khó khăn, sau khi vay mượn khắp nơi xây dựng được căn nhà tránh mưa tránh gió thì gia đình cô trở nên khánh kiệt. Hàng ngày cô phải đạp xe 2km đi tắt đường núi để đến trường bởi vì chiếc xe máy cũ đã hư hỏng nặng không thể dùng được nữa mà đi đường chính đến trường lại hơn 15km. Ngoài số tiền lương của cô, cả gia đình chỉ còn biết trông cậy vào 1,5 sào ruộng lúa và số tiền làm thợ xây của anh Đương. Lo cho 2 đứa con ăn học (hiện nay cháu thứ 2 Lê Công Hưng đang học lớp 11 Trường THPT Hoàng Mai) cũng đã vất vả đối với vợ chồng cô. Từ hôm cô nhập viện, anh Đương phải bỏ việc theo ra chăm sóc, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
 
Thầy Lê Đăng Thành (Hiệu trường Trường THCS Quỳnh Vinh) cho biết: "Cô Thanh là một cán bộ quản lý có năng lực và tinh thần trách nhiệm. Trước hoàn cảnh khó khăn của cô, Công đoàn nhà trường đã vận động ủng hộ gia đình được 19,5 triệu đồng, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu cả. Thông qua Báo, chúng tôi rất mong những tấm lòng hảo tâm sẽ tiếp sức cho gia đình trên hành trình tìm lại sự sống cho cô Thanh".
 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Lê Công Đương - xóm 5, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; điện thoại 01686719525; hoặc bệnh nhân Nguyễn Thị Thanh - giường số 8 khoa cấp cứu tăng cường Bệnh viện y học cổ truyền, số 29, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?