Chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon

GD&TĐ - Sáng 16/6, tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Quy Nhơn phối hợp tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường và ngày đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam. 

Hơn 1000 người tham gia Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường và ngày đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.
Hơn 1000 người tham gia Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường và ngày đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.

Tham gia Lễ mít tinh có hơn 1.000 cán bộ, giảng viên, sinh viên, học sinh các cơ sở giáo dục, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Trọng Hùng cho biết: Hiện nay, việc tăng trưởng kinh tế và thay đổi hình thức tiêu thụ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa khiến ô nhiễm nhựa trở thành một vấn đề môi trường mang tính chất toàn cầu. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất thải gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn với cộng đồng, xã hội.

Nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen tiêu dung và thải bỏ chất thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2018 là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và túi nilon”.

Bên cạnh đó, chủ đề của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới được lựa chọn là “Cùng nhau giữ màu xanh của biển”, nhằm kêu gọi chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc đại dương, hướng tới việc khuyến khích các giải pháp xử lý ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa trên biển vì một đại dương khỏe mạnh hơn, cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Vụ trưởng Lê Trọng Hùng cho hay: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai đưa giáo dục môi trường, giáo dục về đa dạng sinh học, giáo dục tài nguyên, hải đảo và ứng phó với biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục các cấp học, các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Bên cạnh đó, cùng với phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động, các trường học trong cả nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động như: tuyên truyền, thông tin về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên biển, hải đảo và chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tuyên truyền về nếp sống sạch, giữ gìn vệ sinh, các cuộc thi cổ động về môi trường. Nhất là các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vị môi trường, Ngày môi trường thế giới, Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam…

Ông Lê Trọng Hùng yêu cầu, các cơ sở giáo dục cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời Tổ quốc đến từng học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên và cán bộ.

Đẩy mạnh đưa các nội dung bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu và giáo dục tài nguyên, môi trường biển, hải ảo và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, phụ huynh tích cực tham gia các hoạt động thiết thực để góp phần bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai và ứng phó với biển dâng, ra quân làm sạch bãi biển, khu sinh thái biển…

Kêu gọi sinh viên, học sinh hưởng ứng ngày môi trường và ngày đại dương thế giới, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn nhấn mạnh: “Về lâu dài, các em học sinh, sinh viên cần quan tâm nhiều hơn nữa đến ngành công nghiệp môi trường, nỗ lực học tập, tìm tòi nghiên cứu, có những ý tưởng sáng tạo trong khởi nghiệp theo hướng phát triển các công nghệ xử lý, tái chê chât thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, năng lượng và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới...”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ