Chung tay bảo vệ môi trường biển

GD&TĐ - Ô nhiễm môi trường từ lâu đã là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, là chủ đề nóng thường xuyên được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, ô nhiễm môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Hoạt động khảo sát biển tại Đảo Khỉ - Quảng Ninh của CLB THE BLUE – CLB Bảo vệ Môi trường Biển.
Hoạt động khảo sát biển tại Đảo Khỉ - Quảng Ninh của CLB THE BLUE – CLB Bảo vệ Môi trường Biển.

Theo một nghiên cứu tại Đại học Georgia, có 9 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm, trong đó 80% đến từ đất liền, bao gồm rác thải cá nhân, chất thải công nghiệp… và 20% đến từ các hoạt động đánh bắt cá và du lịch biển. Môi trường biển bị ô nhiễm nghiêm trọng, dẫn đến hơn 100.000 sinh vật biển chết hàng năm do bị mắc kẹt hoặc ăn phải đồ nhựa. Các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán, đến năm 2050, khối lượng rác thải trên biển sẽ còn nhiều hơn khối lượng sinh vật biển đang sinh sống, đủ để xoay quanh Trái đất 400 lần!

Ở Việt Nam, tình hình ô nhiễm môi trường biển cũng đang ở mức báo động. 5.600 tấn rác thải dầu khí, 1.8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm; 80% lượng rác thải không qua xử lý trên biển có nguồn gốc từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư; 90% các rặng sạn hô có nguy cơ bị hủy hoại (theo Dân trí). Đây chỉ là một vài số liệu tiêu biểu trong hàng ngàn con số đáng báo động khác về môi trường tại Việt Nam hiện nay.

Ô nhiễm môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. (Ảnh minh họa)

Ô nhiễm môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng trở nên cấp bách hơn và chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể. (Ảnh minh họa)

Vấn đề bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng giờ đây không còn là trách nhiệm của riêng các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Hiện nay, các cơ quan  Nhà nước và rất nhiều tổ chức đã tham gia phát động các chiến dịch bảo vệ môi trường, nổi bật như Chiến dịch “Biển Việt Nam xanh” của Bộ Văn hóa–Thể thao-Du lịch, Dự án hợp tác “Vì một thế giới không rác thải” của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam và CocaCola Foundation, phong trào ZeroWaste, Plastic Free Challenge…

Tác giả Hoàng Đặng Hải Phong (Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) trong chuyến đi thực tế biển tại Đảo Khỉ - Quảng Ninh.
 Tác giả Hoàng Đặng Hải Phong (Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam) trong chuyến đi thực tế biển tại Đảo Khỉ - Quảng Ninh. 

Các siêu thị, các cửa hàng hay nhà hàng tại Việt Nam đang tích cực hưởng ứng các phong trào này bằng những hành động thiết thực như sử dụng ống hút giấy, túi vải, bọc thực phẩm bằng các sản phẩm tự nhiên,…Ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà các mẹ xách giỏ đi chợ để hạn chế túi nilong, các bạn trẻ khi đi mua đồ cầm theo túi vải và lọ thủy tinh cá nhân… Mỗi hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp ở Việt Nam.

Với mong muốn đóng góp sức mình vào hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ sinh thái biển, một nhóm các bạn học sinh THPT ở Hà Nội đã thành lập CLB THE BLUE – CLB Bảo vệ Môi trường Biển. Mục tiêu lâu dài mà CLB hướng tới khi thành lập The Blue là giảm thiểu được tối đa ảnh hưởng của những nhân tố làm hại tới môi trường biển, thông qua các hoạt động bảo vệ biển và tuyên truyền nâng cao nhận thức trong xã hội.

Để tác động vào nhận thức, niềm tin và thay đổi hành động của học sinh sinh viên nói riêng và cả cộng đồng nói chung, CLB The Blue luôn nỗ lực hết mình để tổ chức các hoạt động có ảnh hưởng tích cực cho môi trường, làm tròn sứ mệnh, mục tiêu ban đầu khi CLB ra đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ