(GD&TĐ) - Ai cũng có những nỗi sợ hãi của riêng mình, nhưng có nhiều người lại không dám đối mặt với sự thật, với sự sợ hãi đó. Và nếu như có điều gì người ta làm được để không phải lo sợ người ta sẽ cố làm. Ngày nay, có vẻ như chúng ta đang sống với nỗi lo sợ thường trực, với sự sợ hãi thua kém người khác, với sự đố kỵ chứ ít khi chúng ta tự hào với những gì mình đang có, quên đi rằng nó là duy nhất.
|
(ảnh minh họa) |
Trong giáo dục cũng vậy, bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình ở vị trí tốt nhất, đứng đầu lớp, nhưng vị trí đó chỉ có một. Ít bố mẹ nào đồng tình với kết quả học tập của con mình, đôi khi cả bố mẹ có đứa con đứng đầu lớp ấy. Song một điều hiện rõ hơn hết là sợ con mình “tụt hậu”, sợ con mình thua kém các bạn, sợ con mình đội sổ, sợ con mình bị cô giáo chê, mắng…
Nếu chúng ta hỏi các bậc phụ huynh có con đang học tiểu học và THCS “tại sao lại cho con đi học thêm?”, đa phần nhận được câu trả lời như vậy, một số còn trả lời một cách thiếu trách nhiệm thực sự: “vì thấy người ta cho con đi học nên cho con mình đi”. Học thêm cũng tốt, nhưng học thêm như thế nào cho hiệu quả không phải vị phụ huynh nào cũng nghĩ tới, chúng ta vẫn áp đặt cho con cái mình một lối suy nghĩ “chỉ ăn với học mà không học được thì còn làm gì nữa?” mà ít quan tâm tới trẻ thực sự cần gì, yếu ở phương pháp học, khả năng tiếp thu, hay cách hệ thống hóa kiến thức… Có thể nói, chúng ta có mục đích đúng đắn nhưng phản ứng lại chưa đúng.
Có nhiều bậc phụ huynh có con học cấp 1, có phản ứng rất dữ dội với việc con nhận thức sai, hay bị điểm thấp. Khi con đi học về khúm núm thông báo điểm thấp, dù là điểm kiểm tra bài cũ trên bảng, hay kiểm tra 15 phút cũng sẽ bị quát mắng ngay; thậm chí có bậc phụ huynh còn kêu trời, than thân trách phận khi nghe con đưa ra ý kiến sai về một vấn đề nào đó, đôi khi chỉ đơn giản như chuyện nhầm số hạng là của phép nhân. Những phản ứng gay gắt quá mức ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ, tác động không nhỏ tới khả năng tư duy, sáng tạo hay tính tự giác. Bản thân người viết bài này không bình luận tới phần lỗi của trẻ, chỉ tập trung vào những lỗi thuộc về chúng ta, thuộc về phụ huynh để giúp khắc phục những điểm yếu của trẻ.
Chúng ta luôn nói với nhau về những phép thử sai, về ý nghĩa của sai và đúng trong khoa học, trong cuộc sống; tất nhiên những sai sót ấy có ý nghĩa ở một giới hạn nhất định, khi có thể khắc phục được. Những cái sai ấy sẽ dùng để làm nền tảng cho cái đúng, dùng để phân biệt cái đúng, một đứa trẻ sẽ không biết làm thế nào là đúng nếu không biết có những cái sai. Và theo quan điểm của tôi, điểm số thấp, kiến thức chưa đúng ấy cần phải được thể hiện, nhìn nhận một cách tự do, nghiêm túc để trẻ có thái độ đúng đắn khi sửa chữa. Nếu đơn thuần chỉ quát mắng, chúng ta chỉ đem lại thái độ sợ sệt, lo lắng ở trẻ, chính là những cảm xúc chúng ta truyền cho chúng; nhưng nếu chúng ta nhìn nhận những thiếu sót ấy của trẻ là một phần quan trọng cũng như cái đúng, hay điểm cao khác, thì trẻ sẽ biết giá trị của từng bài kiểm tra, vai trò kiến thức. Nhiều trẻ từ sợ bố mẹ mắng, chuyển sang sợ bị sai, rồi dần sang sợ bài kiểm tra, và cuối cùng sợ học, dẫn đến trốn học, ngại học…
Vậy chúng ta nên làm gì?
Nếu phản ứng dữ dội, chúng ta truyền cho trẻ tâm lý sợ hãi, vì vậy, để trẻ tự giác cố gắng học tập, phụ huynh chúng ta cần xem lại thái độ của mình với trẻ, cách thể hiện thái độ đó sẽ định hướng trẻ như thế nào? Làm thế nào để trẻ hiểu được sự quan tâm của chúng ta vào việc học của chúng? Làm thế nào để trẻ cảm thấy học là cần thiết để theo đuổi ước mơ riêng mình? Làm thế nào để chúng biết và học hỏi theo những tấm gương trong gia đình và ngoài xã hội đã thành công từ việc học?
Mỗi chúng ta có một đứa trẻ riêng chúng ta yêu thương, sẽ có một cách làm riêng, một phương pháp riêng, không ai giống ai. Tôi tin rằng khi trả lời những câu hỏi đó, các bạn sẽ đối mặt được với nỗi sợ của chính mình, tìm ra cách để giúp con mình học tập tốt hơn.
Bùi Dũng