Chúng ta phải đi tìm...

Mà nếu có thì trải qua bao biến thiên trong cuộc sống, mấy ai còn giữ được. Ngay cả những đồng chí, đồng đội xưa, nay cũng người còn, kẻ mất; kẻ nhớ, người quên; người lập nghiệp nơi khác, khó có thể xác nhận được rằng đã từng thế này thế kia... Hơn nữa, khi đó đâu có nghĩ rằng sau này sẽ được hưởng chế độ này, chế độ nọ đâu mà giữ. Nên khó lắm, dù biết Nhà nước có chế độ, chính sách nhưng cũng đành chịu...

Giải quyết chế độ cho người có công nói chung, lực lượng thanh niên xung phong nói riêng khó là bởi vậy, có muốn cũng không được là bởi vậy. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi mà chiến tranh đã lùi xa vài chục năm nhưng số hồ sơ tồn đọng cho đến nay vẫn ở con số chục ngàn. Ví dụ, theo số liệu của Hội cựu Thanh niên Xung phong Việt Nam, đến năm 2009, cả nước có 350.190 cựu thanh niên xung phong còn sống, trong đó có tới 79.698 người thuộc diện trợ cấp một lần và 11.226 người thuộc diện trợ cấp hàng tháng chưa được giải quyết chế độ. 

Hơn 1.000 trong tổng số gần 6.000 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận là liệt sĩ. Hơn 12 nghìn trong số gần 34 nghìn thanh niên xung phong bị thương trong chiến tranh chưa được công nhận là thương binh. Chế độ cho nạn nhân là thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc da cam mới giải quyết được rất ít, 9.484/11.793 trường hợp. Đặc biệt, có không ít trường hợp không thuộc diện nào trong số những tồn đọng nêu trên...

Khách quan, đã có thời điểm, ở nhiều địa phương, việc giải quyết chế độ cho người có công được giải quyết chủ yếu dựa trên hồ sơ, giấy tờ. Có đủ giấy tờ mới được giải quyết. Nhưng buồn ở chỗ, những trường hợp hồ sơ, giấy tờ đầy đủ đôi khi lại là giả, kiểu như "cựu chiến binh chưa đi bộ đội"... Cũng vì thủ tục giấy tờ này mà nhiều người vướng vòng lao lý. Cũng từ đó, yêu cầu phải làm chặt chẽ hơn được đưa ra, thế là "tắc". Phần thiệt thòi thuộc về những người có công thật, nhưng thiếu giấy tờ...

Trong cuộc làm việc với tỉnh Quảng Nam mới đây, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung đã yêu cầu cần giải quyết ngay hồ sơ người có công tồn đọng. Đương nhiên, yêu cầu này không chỉ với riêng Quảng Nam và những vướng mắc mà tỉnh đang gặp đồng thời cũng là vướng mắc của nhiều địa phương khác đã được Bộ trưởng đưa ra giải pháp. Ví dụ như 6 hồ sơ địa phương trình xem xét tại buổi làm việc, Bộ trưởng Dung cho rằng, một trong những căn cứ quan trọng là ý kiến của chính quyền xã, nơi có các trường hợp cần xem xét. 

Những trường hợp này, ví dụ cụ thể là có trường hợp tiểu đội trưởng dân quân du kích hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ, chính quyền xã đã có ý kiến thì phải xem xét kỹ. Cần ý kiến của xã vì chính quyền xã sát sao với người dân ở địa phương nhất nên ít khi nhầm, xứng đáng mới đề xuất. Đặc biệt, chính quyền địa phương và ngành chức năng rà soát, xem xét lại các trường hợp hồ sơ giả nhưng đúng là thương binh thật, do thu thập căn cứ chưa đầy đủ theo thủ tục hồ sơ, bí quá mới làm hồ sơ thương binh giả. Những trường hợp là giả, không xứng đáng thì dứt khoát thu hồi tiền hỗ trợ...

Không thể ngày một, ngày hai có thể giải quyết hết số hồ sơ tồn đọng, nhưng việc giải quyết hồ sơ tồn đọng có lẽ phải trên quan điểm: Vì họ đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước nên trách nhiệm của chúng ta là phải đi tìm, làm hồ sơ, thủ tục đầy đủ và giải quyết chế độ, chính sách cho họ chứ không phải ngồi chờ kêu lên, rồi đòi hỏi giấy tờ, thủ tục, rồi chờ đợi hàng chục năm trời. Thực tế, mỗi năm có đến hàng vạn cựu thanh niên xung phong qua đời, trong số đó nhiều người chưa hề được đền ơn đáp nghĩa - ý kiến của Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Anh Liên.

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn, đáp nghĩa. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ