Chứng khoán một năm toàn sóng... ngầm!

Chứng khoán một năm toàn sóng... ngầm!

(GD&TĐ) - Có thể nói, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2010 diễn biến khá lạ. Không như những năm trước, thể nào trong một năm cũng có vài đợt sóng, hoặc chí ít là một “cột sóng cao”. Nhưng năm 2010 tịnh không có một đợt sóng lớn nào. Có chăng chỉ là vài gợi sóng nhỏ li ti rồi thị trường lại rơi vào trạng thái lặng như tờ. Vì sao vậy?

Như chúng ta đã biết, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều yếu tố như thị trường chứng khoán thế giới, thông tin kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư và đặc biệt là những tin đồn.

Sau khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới, chứng khoán thế giới cũng chưa có diễn biến gì gọi là bứt phá. Bên cạnh đó, thông tin kinh tế vĩ mô trong nước cũng không có gì nổi bật. Tâm lý nhà đầu tư bắt đầu ổn định hơn. Tin đồn ít đi và nếu có thì cũng không gây sốc, cũng là nguyên nhân khiến cho bộ mặt thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm đầy nhợt nhạt.

Trong bối cảnh như vậy, những “cơn sóng ngầm” trong thị trường chứng khoán dường như diễn ra cuồn cuộn hơn. Điều đó thể hiện rất rõ khi mà những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán liên tục được các cơ quan chứng năng phát hiện, xử lý.

Chứng khoán một năm toàn sóng... ngầm! ảnh 1
 

Theo một chuyên gia phòng chống tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán cho biết, năm 2010 là năm đầy khó khăn đối với hoạt động của TTCK nhưng chưa có công ty chứng khoán nào bị giải thể, phá sản. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực này cũng đã xảy ra nhiều như không công bố thông tin khi mua bán chứng khoán đối với các nhà đầu tư; tình trạng thao túng giá gây méo mó thông tin thị trường... Các Công ty chứng khoán cho các nhà đầu tư “VIP” hưởng những ưu đãi quá mức dẫn đến xảy ra một số vụ tranh chấp giữa các nhà đầu tư với công ty chứng khoán.

Một số vụ việc liên quan đến TTCK đã bị khởi tố điều tra như ngày 30/8/2010, Cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương trong thương vụ mua bán 3 triệu cổ phiếu của Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Phòng CSKT, Công an TP Hồ Chí Minh khám phá vụ trộm cắp chứng khoán xảy ra tại Công ty chứng khoán ACB. Hoặc ngày 26/11/2010, Cơ quan ANĐT bắt giam Lê Văn Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty dược Viễn Đông tạo giao dịch ảo trên sàn chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược Hà Tây (mã cổ phiếu DHT). Sau khi cùng em trai là Lê Văn Mạnh và một số người khác mở 11 tài khoản giao dịch chứng khoán, Dũng giao cho Mạnh 9 tài khoản và cùng một số người sử dụng các tài khoản trên tham gia giao dịch. Ông Dũng cùng nhóm người này đặt mua cổ phiếu của Công ty Dược Hà Tây với mục đích tạo giao dịch ảo trên thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư tưởng thật và tiến hành đầu tư vào cổ phiếu DHT dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho mỗi cổ đông. Từ đầu năm 2010, Công ty Dược Hà Tây đã thiệt hại lớn do giá cổ phiếu bị thao túng…

Như vậy, để thị trường chứng khoán phát triển và phát triển lành mạnh bên cạnh nhiều yếu tố thì việc ngăn chặn những cơn sóng ngầm  - vi phạm tội phạm trong lĩnh vực này rất quan trọng. Nó sẽ giúp cho thị trường có một môi trường lành mạnh, cộng với những cú hích kinh tế được cho là xán lạn năm 2011 sẽ giúp cho thị trường chứng khoán sẽ có nhiều đợt sóng cao, thiết lập mặt bằng giá mới trong năm tới./.

Lâm Bách
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ