Chung cư cũ ở Hải Phòng: Hiểm họa rình rập

GD&TĐ - Từ ngày biết thông tin thành phố có chủ trương cải tạo, xây mới chung cư cũ, bà Trần Thị Lại cũng như hàng trăm hộ dân sống trong các khu tập thể cũ nát tại phường An Dương (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) khấp khởi ngóng trông. Mừng vì một ngày nào đó sẽ được ở trong căn hộ khang trang, sạch đẹp nhưng lo, không biết ngày đó còn bao xa khi khu tập thể nơi họ đang sống đã quá cũ nát, có thể ập xuống bất cứ lúc nào.

Khu tập thể Lô 8, tổ 3 phường An Dương đã quá cũ nát
Khu tập thể Lô 8, tổ 3 phường An Dương đã quá cũ nát

Bất an

Khu tập thể Lô 8 (phường An Dương, Lê Chân) là những dãy 3 tầng cũ nát, lụp xụp, tường vôi bong tróc. Tại đó, có tới gần 80 hộ dân sinh sống. Phần lớn họ đều là những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bà Trần Thị Lại, năm nay 70 tuổi và có tới 50 năm sống tại khu tập thể này. Đó là tổ ấm của vợ chồng bà từ khi ông bà cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Căn nhà 24m2 cũng là nơi lần lượt ba đứa con của bà cất tiếng khóc chào đời để rồi cả tuổi thơ họ gắn bó với khu tập thể Lô 8. Vài chục năm trôi qua, con gái lớn lấy chồng xa, con trai thứ xấu số qua đời. Vợ chồng bà vẫn gắn bó với căn nhà “già nua”, cũ nát này cùng cậu con trai út và đứa cháu nội mồ côi.

Chỉ lên trần nhà với những đoạn vôi vữa mục ruỗng, bà Lại chua xót: Trần nhà ngấm nước, mục hết rồi tôi chỉ lo nó ập xuống thì khổ, mà sửa chữa thì không có tiền.

Căn bếp nhà bà Lại còn tồi tàn hơn. Bất kể trời nắng hay mưa, mỗi lần vào bếp nấu cơm bà đều phải đội nón tránh nước. Hệ thống thoát nước kém, tường mục ruỗng nên nước xả sinh hoạt của các hộ dân ở tầng 3 chảy xuống các tầng phía dưới. Bà Lại đành căng áo mưa lên mái để che chắn.

Kề bên nhà bà Lại là gia đình cụ Phạm Thị Bút (84 tuổi). Vợ chồng cụ sống tại căn nhà này từ khi khu tập thể được xây dựng vào năm 1963. Nay, cụ ông đã mất, cụ Bút cùng ba người con gái vẫn sống trong căn nhà tồi tàn này.

Bà Vũ Thị Tuyết (64 tuổi, con gái lớn của cụ Bút) chia sẻ: Tôi gắn bó với khu nhà vài chục năm rồi. Nay nhà quá xuống cấp, tường nhà mục ruỗng, nhiều lần ý kiến đến Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh nhà Hải Phòng để họ sửa chữa cho dân đỡ khổ nhưng không được. Cứ đà này, mùa mưa bão sắp đến dân chúng tôi lại nơm nớp lo.

Bà Trần Thị Lại cũng như những người dân sống tại Khu tập thể Lô 8 đều mong muốn được thành phố quan tâm, nhanh chóng xây cho họ những dãy nhà chung cư mới
  • Bà Trần Thị Lại cũng như những người dân sống tại Khu tập thể Lô 8 đều mong muốn được thành phố quan tâm, nhanh chóng xây cho họ những dãy nhà chung cư mới

Mong được về nhà mới

Bà Trần Thị Lại chia sẻ: “Chúng tôi được biết thành phố có chủ trương xây mới, sửa chữa các khu tập thể đã xuống cấp nên vui lắm. Nhìn các hộ dân ở Khu tập thể U19 Lam Sơn (phường Lam Sơn, quận Lê Chân) được dọn về nhà mới các hộ dân khu tập thể nhà tôi đều mong ước được như vậy”.

Đó không chỉ là mơ ước của bà Lại, cụ Bút hay bà Tuyết mà là mong mỏi chung của hàng ngàn hộ dân đang sống trong các khu tập thể cũ nát trong toàn TP Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch UBND phường An Dương (quận Lê Chân) cho biết: Trên địa bàn phường có 12 lô tập thể với 600 hộ dân sinh sống. Trong đó có 11 dãy nhà được xây dựng từ những năm 1960 - 1965, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Hằng năm phường đều dành một phần kinh phí hỗ trợ một số hộ dân có điều kiện quá khó khăn tu sửa nhỏ những chỗ xuống cấp giúp họ duy trì cuộc sống. Nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài nhân dân đều mong được thành phố quan tâm, nhanh chóng sửa chữa, xây mới giúp họ ổn định cuộc sống.

Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hải Phòng, toàn thành phố có 205 chung cư cũ (8.074 căn hộ); trong đó có 27 chung cư (1.040 căn hộ) được giữ lại để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp; 178 chung cư cũ xuống cấp phải phá dỡ và phải tổ chức di chuyển 7.034 hộ dân để xây lại 18 tòa nhà chung cư mới (tổng số 7.482 căn hộ).

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhằm huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Trọng Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng - Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết: Đến nay đã có một số khu chung cư xuống cấp được xây mới, người dân đã về sống ổn định như: U1, U2, U3 phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền); U19 Lam Sơn (quận Lê Chân). Hai tòa chung cư HH3, HH4 và HH1, HH2 (phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền) đang được các nhà thầu thi công.

Đối với các chung cư xuống cấp còn lại trong đó có các dãy chung cư của phường An Dương (Lê Chân) thì thành phố có kế hoạch đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư (quỹ đất BT) chưa có Nghị định mới của Chính phủ hướng dẫn nên theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và UBND thành phố phải tạm dừng việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư.

“Nhưng để sớm giải quyết nhu cầu bức thiết, bảo đảm an toàn cho người dân khỏi các chung cư nguy hiểm, Sở Xây dựng cũng đã có công văn đề nghị thành phố xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính cho Hải Phòng tiếp tục sử dụng quỹ nhà, quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo quy định hiện nay để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây mới chung cư cũ theo lộ đã đặt ra”, ông Thành cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ