Chung cư Bệnh viện 103 náo loạn vì mất nước nhiều ngày

GD&TĐ - Khoảng 1 tháng nay, mọi sinh hoạt của cư dân 2 tòa CT1 và CT2 (chung cư BV 103, nằm ở cuối đường Nguyễn Khuyến ( Hà Đông, Hà Nội) đã bị đảo lộn, khốn khổ vì mất nước thường xuyên, kéo dài.

Chung cư Bệnh viện 103 náo loạn vì mất nước nhiều ngày

Bao chuyện bi –hài vì mất nước đã diễn ra, và việc mất nước “khó đoán” ngày trở lại -kéo theo bao hệ lụy, căng thẳng trong đời sống, sinh hoạt, gây sự bất bình của các cư dân trong 2 tòa nhà .

Bi- hài và những hệ lụy từ việc mất nước thường xuyên, kéo dài

Khoảng 1 tháng nay, nếu đến khu chung cư BV 103, mọi người không thấy xa lạ gì với cái cảnh xô chậu, nồi niêu, thậm chí chai lọ... được cư dân 2 tòa nhà dùng để tích nước. Mỗi nhà – nếu có đủ quân số, đều cắt cử người chuyên trách túc trực, để làm công việc: hứng nước và tích trữ nước cho gia đình.

Chị H ở tòa CT1 cho biết, vợ chồng chị đi làm mà lòng dạ cẳng yên, vì không biết ở nhà đã có nước chưa? Bà đã kịp hứng đủ chưa? Cứ chốc chốc chị lại gọi điện về chỉ hỏi đúng một câu: Nhà có nước chưa mẹ? Nếu mẹ bảo chưa có, thế nào chị cũng rẽ sang nhà bạn để tắm nhờ. Nhưng tắm nhờ 1-2 lần thì được, cứ nhờ thường xuyên không khéo lại mất bạn như chơi. Vợ chồng chị bảo nhau, hay là thuê khách sạn ngủ, để tắm một trận cho đã đời. Phương án thuê khách sạn 1 tiếng để tắm rửa cũng đã xảy ra đối với một số cư dân ở khu này.

Chứa nước bằng các vật dụng. Từ xô chậu, đến lọ hoa.
 Chứa nước bằng các vật dụng. Từ xô chậu, đến lọ hoa. 

Anh L.X và không ít người đã cam chịu “luyện” lại hệ bài tiết cho “hợp cảnh”. Việc nhịn đi vệ sinh tại nhà, “để dành” đến cơ quan đã khiến anh khốn khổ.

Liên quan đến việc đi vệ sinh, nhiều nhà sắm bô, cả con cái và người lớn dùng chung. Sáng kiến ấy cũng có tác dụng phần nào khi khan hiếm nước, nhưng lại làm ô uế, bốc mùi không chịu nổi vì nhà vệ sinh vốn đã chật hẹp.

Bà H, lên trông nom cháu nội ở tòa CT 2, ngoài nhiệm vụ đưa đón cháu bé học mẫu giáo, việc chính của bà giờ là tích trữ đủ nước cho cả nhà dùng. Nhà có 4 chậu, một chậu chuyên tắm cho trẻ em. Bà cho biết, nhà bà quy định: Khi tắm, ai cũng phải đứng vào chậu. Để lấy nước tắm ấy tưới cây (?) hoặc đổ vào bồn vệ sinh cho đỡ phí.

Trước đây tôi đã từng đến Cao nguyên đá công tác, thấu hiểu cảnh thiếu nước ở Hà Giang, giữa bốn bề trọc trụi đá. Từng giọt nước được nâng niu cất giữ khi chuyển bằng xe ôm từng can đến khu tập thể của các thầy cô ở Khau Vai. Quý lắm, khách mới được rửa mặt nước 1, sau đó lấy nước đó rửa chân, rửa chân xong mang ra tưới rau. Nay sáng kiến của vùng cao nguyên đá đã trở thành sáng kiến nhân loại được áp dụng ở hai tòa chung cư CT1 và CT2 từ khi nào chẳng biết!

Sau khi lọc qua chiếc tất trẻ em, nước “sạch” kinh hoàng như thế này đây (căn 2309 CT2)

Sau khi lọc qua chiếc tất trẻ em, nước “sạch” kinh hoàng như thế này đây (căn 2309 CT2)

Nhà anh T ( CT 1) thì khác. Ưu tiên chính về nước là cháu bé và người già. Thanh niên thì ưu tiên chính cho từng bộ phận trên cơ thể. Mặt mũi chân tay, chỗ nào để lộ ra, cần phải sạch sẽ. Còn mọi bộ phận khác, đã có nước hoa, lăn nách để... khử mùi. Anh T cho biết, có hôm, anh đang tắm thì hết nước. Cơ thể vừa được dội nước, chưa kịp lau nước xà phòng, thì các vòi cạn khô. Có mỗi chậu nước để dùng cho con nhỏ, anh không dám chạm tới. Đành lau khô cơ thể với mùi xà phòng nồng nặc ấy, “mặc kệ đời”.

Nhiều nhà có sáng kiến, huy động tất tật những vật dụng như chai , lọ, kể cả lọ hoa...cũng được dùng để chứa nước. Nhà bà SM ở tầng 23 CT2, đã gom được hơn chục lọ hoa . Mang ra ban công, bà kỳ cọ sạch sẽ để đợi có nước là... chứa.

Bà bảo, trước đây, chai lavi, coca... dùng xong là cho đồng nát, giờ tất thảy đều giữ lại để tích nước. Xô chậu, xong nồi...đựng nước vẫn chưa đủ. Bà bảo, con bà trước tập gym ở sảnh 1 của tòa CT2, giờ không có nước tắm nữa, nên con bà và chúng bạn sang chung cư Hồ Gươm tập, và nhân tiện tắm luôn ở đó. Chấp nhận giá có cao, “nhưng ở đó cháu tắm luôn rồi mới về nhà” – như thế còn hơn.

Việc thiếu nước thường xuyên, và nhiều ngày đã khiến cho các cư dân ở đây oải và không ít người rơi vào trạng thái tiêu cực. Một số nhà đã được rao bán, trong đó có cả lý do này. “Biết tình trạng thiếu nước như thế này, chúng tôi không mua chung cư ở khu vực Hà Đông nữa” - ông M chia sẻ. Giờ biết khu vực này khan nước quá, chung cư lại sát nghĩa địa. Bán lại, liệu có ai mua?

Cùng chung nỗi niềm của bà con cư dân, là những người kinh doanh tại tòa nhà cũng bị hệ lụy theo. Nhà hàng Sáu Quê dưới chân tòa CT2, vốn đông nghìn nghịt khách, giờ đã vắng vẻ. Mặc dầu chủ quán cũng lo xa, cho bơm thẳng nước vào mấy chục can nước dự trữ đẻ chế biến đồ ăn. Nhưng tâm lý thiếu nước ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm-khách cũng e ngại...

Cảm giác mệt mỏi, chán nản và bức xúc bao trùm khắp các tòa nhà . 384 căn hộ /tòa nhà và 768 căn hộ của hai tòa CT1 và CT2 đang lo âu, khắc khoải và gian nan vì thiếu nước. Và trước mắt, là những ngày “hạn hán” không biết khi nào chấm dứt để các cư dân ở đây đỡ khổ.

Thiếu nước sạch do đâu?

Bể ngầm tòa CT2 không đủ nước bơm lên bể chứa trên cao
Bể ngầm tòa CT2 không đủ nước bơm lên bể chứa trên cao

Chiều ngày 14/05, hơn chục cư dân, đại diện cho các hộ chung cư của 2 tòa nhà đã có cuộc họp khẩn cấp, giữa ba bên: Công ty nước sạch Hà Đông , Ban quản lý tòa nhà ( đại diện Chủ đầu tư) và các cư dân của 2 tòa nhà chung cư- về việc mất nước thường xuyên. Trước các ý kiến của cư dân, thay mặt Ban lãnh đạo Công ty nước sạch Hà Đông, PGĐ - bà Đặng Thị Xuân cho biết, hiện nay trạm cấp nước 3 đang xây dựng đặt tại Láng - Hòa Lạc. Nếu xây dựng xong, khả năng cung cấp nước trên địa bàn sẽ đủ. Còn hiện nay, do tình trạng khan hiếm nước sạch nói chung, rất cần các cư dân đồng cảm và chia sẻ khó khăn với Công ty ( !?!?). Trong biên bản họp giữa ba bên, bà cũng có ý kiến : “Công ty sẽ chịu trách nhiệm cấp nước ổn định trong điều kiện cho phép” (trích biên bản cuộc họp).

Như vậy, với điều kiện thiếu nước chung như hiện nay, khả năng cung ứng của Công ty cho các cư dân có phải trên lý thuyết? Và nguy cơ thiếu nước liệu có được cải thiện như lời hứa của bà rằng, sẽ cung ứng đủ 400m2 nước/tòa/ngày?.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn (đại diện cho chủ đầu tư của tòa nhà) cho biết, BQL sẵn sàng bơm nước lên bể trên cao, sau khi đã đầy bể ngầm. Mỗi tòa có 1 bể ngầm và 1 bể trên cao có dung tích chứa 500m2 nước. Khi nước bơm đầy, sẽ có van tự động đẩy lên bể cao. Nhưng trên thực tế khoảng 1 tháng nay, bể chứa mỗi tòa chỉ được Công ty nước sạch Hà Đông bơm về khoảng 100 m2 nước mỗi bể. Như vậy, để có đủ nước dùng trong sinh hoạt, người dân trong tòa thiếu 3/4 lượng nước theo quy định. Đó là chưa kể chất lượng nước rất kém, bẩn và đục. Để có thể dùng nước nấu ăn, các cư dân phải mua bông gòn cho vào găng tay, hay chiếc tất sạch rồi buộc vào vòi nước, cho nước chảy qua, mới có thể tạm yên tâm. Sau khi hứng xong một chậu hoặc một thùng nước, tháo ra, thấy tất đen đỏ, bông vàng màu đất, nhìn rất kinh hãi.

Nếu BQL tòa nhà cho xả nước khoảng 1h cho bà con dùng thì mất 30 phút đầu nước đục ngầu, về sau mới tạm đỡ cũng là lúc chuẩn bị mất nước luôn. Theo quan sát của PV, việc phối kết hợp giữa BQL tòa nhà và Công ty nước sạch Hà Đông còn thiếu đồng bộ, tắc trách. Hiện tượng thiếu nước trầm trọng ở Chung cư BV 103 đã diễn ra hàng tháng, gây hiệu quả nghiêm trọng như trên đã nêu và gây nên sự bất ổn định, khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống, sinh hoạt như vậy, rất cần BQL và Công ty nước sạch Hà Đông có trách nhiệm cao hơn nữa để giúp các cư dân sớm đi vào ổn định.

Để xảy ra tình trạng hỗn loạn trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý tiêu cực của các cư dân Chung cư 103, thuộc về Công ty nước sạch Hà Đông và BQL tòa nhà đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Bao giờ các cư dân của chung cư BV 103 mới có nước sạch đủ dùng?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ