Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng thuốc phá thai như thế nào vẫn còn khe hở…
Phá thai bằng thuốc tại nhà hiện đang được hầu hết các bệnh viện và cơ sở y tế áp dụng cho người có nguyện vọng. Biện pháp này được cho là có hiệu quả khá tốt, ít gây đau đớn và đặc biệt là đảm bảo được sự bí mật cho người sử dụng.
Lường trước rủi ro
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Phá thai bằng thuốc tuy an toàn nhưng không phải không có rủi ro, biến chứng, vì vậy trước khi kê đơn cho bệnh nhân về nhà tự dùng thuốc chúng tôi phải tư vấn cẩn thận, thời gian dùng thuốc ra sao, thai bao nhiêu tuần tuổi thì có thể làm, những tai biến có thể gặp phải, thời gian tái khám.
“Khi phá thai bao giờ cũng phải tư vấn và cảnh báo những rủi ro gặp phải. Phá thai bằng thuốc có nhiều loại, áp dụng những trường hợp khác nhau, nếu thai nhỏ dưới 7 tuần tuổi hoặc chưa qua 49 ngày kể từ sau ngày tắt kinh thì sẽ sử dụng loại thuốc để sảy thai tự nhiên, người bệnh có thể mua thuốc về nhà tự uống.
Tuy nhiên phải hướng dẫn cụ thể và đưa ra những dấu hiệu bất thường có thể gặp”, bà Vũ Thị Vân, Y tá trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay.
Bác sĩ Quang Anh, cán bộ giảng dạy tại Khoa Sản trường Đại học Y Hải Phòng, đồng thời tham gia làm việc tại Bệnh viện đa khoa Kiến An, Hải Phòng cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, phá thai bằng thuốc chỉ được áp dụng từ những tuyến có phẫu thuật trở lên, thông thường thì từ các bệnh viện tuyến huyện, vì trong quá trình bỏ thai có thể xảy ra những tai biến như chảy máu nhiều hoặc vỡ tử cung.
Trong những trường hợp như thế thì phải phẫu thuật, đây là điều kiện bắt buộc.
Tỷ lệ thành công của việc phá thai bằng thuốc là trên 90%, nó phụ thuộc vào việc có theo đúng chỉ định của bác sĩ hay không. Sẽ có 1 số tai biến như chảy máu, sót nhau.
Nạo phá thai bằng phương pháp nào thì cũng có tỷ lệ thất bại, dù phương pháp ngoại khoa hay nội khoa không thể thành công và an toàn 100%.
Khi bệnh nhân đến phá thai sẽ được các bác sĩ tư vấn rất kỹ, nói rõ những rủi ro, thất bại trong quá trình làm thủ thuật và hậu quả để lại để bệnh nhân quyết định lựa chọn phương pháp nào. Họ sẽ tự quyết định phá hay giữ lại cái thai.
Việc phá thai bằng thuốc thì chống chỉ định với bệnh nhân dị ứng với thuốc hoặc có bệnh lý về tim mạch , những trường hợp đó đặc biệt phải lưu ý.
Theo tìm hiểu của PV, tại khoa kế hoạch hóa gia đình của các Bệnh viện Phụ sản thường có phòng tư vấn, trước khi làm thủ tục bệnh nhân sẽ vào phòng tiếp đón (phòng khám Khoa Kế hoạch hóa gia đình) xuất trình giấy tờ và được chỉ định đi siêu âm, khám phụ khoa rồi vào tư vấn các phương pháp phá thai.
Coi nhẹ cảnh báo
Tiếp cận với một bệnh nhân mặt còn khá trẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, hỏi ra được biết em sinh năm 1992 đi kiểm tra lại sau hai lần uống thuốc phá thai, Linh bình thản cho biết: "Em chọn phá bằng thuốc vì nó dễ dàng hơn bởi em vốn sợ dao kéo, hơn nữa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sau này. Trước khi bán thuốc, bác sĩ tư vấn và dặn dò rất kĩ về thời gian uống thuốc nên không phải lo. Không có gì nguy hiểm đâu".
“Khi kê đơn rồi, bác sĩ yêu cầu mua thuốc uống ngay tại chỗ và chờ 15 phút nếu không có phản ứng phụ như dị ứng thì về nhà, hai ngày sau cũng giờ đó lại ngậm tiếp 3 viên nữa, mỗi viên cách nhau 20 phút. Họ dặn vậy nhưng sau khi uống thuốc xong em về luôn nhưng cũng không làm sao”, Linh chia sẻ thêm.
Một sinh viên năm thứ 3 đến phá thai tại bệnh viện Phụ sản Trung ương thì hồn nhiên: “Ngậm viên đầu xong thì cũng thấy đau đau, mấy viên sau thì chỉ ngâm ngẩm thôi, không sợ như họ tư vấn đâu. Phá xong muốn cẩn thận thì đi đến khám lại theo lịch, không thì cứ thử bằng que ở nhà cũng được”.
Tái khám sau phá thai: không quản lý được
Khi hỏi về việc theo dõi bệnh nhân sau tiến hành phá thai bằng thuốc tại bệnh viện thì phần lớn các bác sĩ đều cho biết chưa thể quản lý được triệt để, thường thì các bác sĩ nhắc sau 2 tuần quay lại viện kiểm tra nhưng việc có quay lại không thì bệnh viện không thể kiểm soát được.
Bà Vũ Thị Vân, Y tá trưởng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Chúng tôi thường nhắc bệnh nhân sau khi uống thuốc xong ngồi đợi 15 phút xem có phản ứng phụ gì không rồi hãy về, còn việc có ở lại theo dõi hay không là quyền của bệnh nhân, không thể ngồi giám sát họ được.
“Việc bệnh nhân có quay lại tái khám hay không thì thực sự là bệnh viện không quản lý được. Sau khi uống thuốc phá thai, họ có thể sẽ đến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để kiểm tra.
Tâm lý sau khi dùng thuốc phá thai là muốn khám cho nhanh, vào viện lại phải chờ đợi làm thủ tục. Nhiều trường hợp sau khi khám ở ngoài có hiện tượng tai biến thì họ mới quay trở lại bệnh viện ”, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh trưởng khoa sản bệnh viện Hải An, Hải Phòng thẳng thắn chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Quang Anh: “Việc tái khám phụ thuộc vào bệnh nhân, có thể vì nhiều lý do mà họ không đến cơ sở y tế đã phá mà đến cơ sở khác để kiểm tra lại. Tuy nhiên thường thì khi cảnh báo những nguy hiểm thì sau khi phá thai bạn trẻ sẽ vẫn quay lại vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của họ”.