Chuẩn hóa điều kiện dạy học

GD&TĐ - Năm học mới cận kề cũng là thời điểm các nhà trường khẩn trương rà soát, đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa để sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhất là khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Trường THCS Hải Hưng đã và đang tập trung mua sắm, hoàn thiện trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh, trong đó có dụng cụ phòng thí nghiệm Lý – Hóa.
Trường THCS Hải Hưng đã và đang tập trung mua sắm, hoàn thiện trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh, trong đó có dụng cụ phòng thí nghiệm Lý – Hóa.

Chủ động rà soát, bổ sung trang thiết bị

Trường Tiểu học Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 từ đầu năm 2022. Toàn trường có 29 phòng học cùng đầy đủ phòng chức năng như nhà thể chất hai tầng, phòng âm nhạc, mỹ thuật đáp ứng nhu cầu dạy và học. Năm học 2022 - 2023, trường tuyển 138 chỉ tiêu vào 4 lớp 1, mỗi lớp khoảng 35 học sinh theo đúng điều lệ trường tiểu học. Tổng sĩ số học sinh toàn trường là hơn 940 em, chia làm 28 lớp.

Nhận định về việc giảng dạy Chương trình, SGK mới, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng, về cơ bản nội dung chương trình cũng giống như trước nhưng được bổ sung thêm một số điểm mới hay môn mới như Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1, lớp 2 và môn Công nghệ từ lớp 3. Phương pháp giảng dạy cũng đa dạng hơn, giúp học sinh tăng tính trải nghiệm và phát huy phẩm chất, năng lực.

Năm học tới nhà trường có gần 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Công tác tập huấn về giảng dạy theo SGK mới được thực hiện theo chỉ đạo chung từ phòng GD&ĐT huyện. Các thầy cô tham gia rất nhiệt tình, trách nhiệm để sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Là ngôi trường có gần 1.700 học sinh theo học với 33 phòng học, Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học. Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Lợi thông tin, năm học tới, trường tuyển hơn 300 chỉ tiêu vào lớp 1. Để triển khai tốt Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, lớp 2 và lớp 3, nhà trường chú trọng hoàn thiện cơ sở vật chất, nhân sự có chất lượng chuyên môn.

Thầy cô Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 kê dọn, kiểm đếm lại bàn ghế các phòng học.

Thầy cô Trường Tiểu học Mỹ Đình 2 kê dọn, kiểm đếm lại bàn ghế các phòng học.

Chính quyền chung tay cùng ngành Giáo dục

Bà Đào Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) - nhấn mạnh, Đảng bộ và chính quyền nơi đây luôn coi GD-ĐT là một trong những ưu tiên quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để triển khai tốt và hiệu quả Chương trình GDPT 2018, những năm qua, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo huyện nhiều giải pháp, trong đó có việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Toàn huyện có 58 trường với hơn 42 nghìn học sinh và trên 2.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hệ thống cơ sở vật chất các nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trong năm học 2021 - 2022, huyện đưa vào sử dụng 6 ngôi trường mới hiện đại, xây bổ sung gần 200 phòng học, phòng bộ môn cho các trường còn thiếu theo quy định mới. Huyện đồng thời đầu tư xây dựng 15 sân bóng đá, 13 sân bóng rổ để học sinh luyện tập; trang bị 20 bể bơi thông minh tại các trường tiểu học, 10 bể bơi cố định tại trường THCS.

“Tính đến nay, toàn huyện có 55/58 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, chiếm 94,8%. Trong đó, có 22 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao nhất thành phố Hà Nội”, bà Bùi Thị Thu Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cho hay.

Theo ông Lương Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định), địa bàn xã hiện có 3 cơ sở giáo dục các cấp học từ mầm non đến THCS với trên 2.100 học sinh. Toàn xã có 6 điểm trường gồm 2 tiểu học, 1 THCS và 3 mầm non. Trong những năm gần đây, cơ sở vật chất các trường không ngừng được đầu tư, nâng cấp.

Giai đoạn 2015 - 2020, địa phương đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa. Kết thúc năm học 2021 - 2022, UBND xã đã chỉ đạo các nhà trường thống kê báo cáo tình hình cơ sở vật chất và xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023. Đến nay, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng tốt cho việc dạy và học, đặc biệt thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Cố gắng khắc phục mọi khó khăn

Thầy Đinh Văn Đam – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hưng - chia sẻ, xã Hải Hưng nằm trên địa bàn trung tâm huyện nên cơ bản đội ngũ giáo viên có nhiều thuận lợi, giáo viên gần nhà công tác tại địa phương lâu dài, ổn định. Song đi kèm thuận lợi cũng là những khó khăn, đó là nhiều giáo viên độ tuổi cao, sức khỏe hạn chế.

Năng lực đôi lúc chưa theo kịp sự đổi mới về phương pháp cũng như khả năng ứng dụng công nghệ trong dạy học. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của các nhà trường đã được địa phương ưu tiên đầu tư không ngừng nhưng do địa bàn rộng nhiều điểm trường nên việc đầu tư chưa theo kịp với yêu cầu hiện tại. Hiện, trường tiểu học và THCS vẫn thiếu nhà đa năng.

Chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, các trường tại xã Hải Hưng đã tập trung rà soát hệ thống cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường. Đặc biệt là bảo đảm đầy đủ phòng học, bàn ghế cho học sinh; kiểm kê hệ thống các phòng chức năng như phòng Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học… để học sinh có đủ trang thiết bị để học tập và thực hành.

Năm đầu tiên triển khai Chương trình, SGK mới với lớp 10, Trường THPT Ngô Quyền (TP Nam Định, Nam Định) đang tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ giảng dạy.

Thầy Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Nhà trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thêm một đơn nguyên gồm 3 tầng. Sau khi đưa vào hoạt động (dự kiến cuối năm 2022), toàn trường có tổng số 37 phòng học và phòng chức năng, đáp ứng đủ nhu cầu học tập, giảng dạy cho thầy trò. Công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho khối 10 được thực hiện theo đúng yêu cầu, kế hoạch. Năm học tới, trường tuyển 451 chỉ tiêu vào lớp 10. Để khắc phục những khó khăn ban đầu, trong những tháng đầu năm học 2022 - 2023, nhà trường sẽ cho các em học buổi chiều”.

Nhà trường được các cấp quan tâm, đầu tư nên phòng học đều có máy chiếu để phục vụ công tác giảng dạy. Trường có 2 phòng Tiếng Anh, 2 phòng Tin học. Nhà thể chất mỗi sàn rộng khoảng 800m2, tầng 2 là nơi tập thể dục và tổ chức thi đấu thể thao, tầng 1 được lắp đặt bể bơi cố định. - Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ