Chuẩn bị tâm thế vững vàng cho trẻ vào lớp 1

GD&TĐ - Hiện đang là thời điểm “nước rút” chuẩn bị cho năm học mới. Đối với học sinh lớp 1, đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng khi trẻ sẽ thay đổi từ môi trường hoạt động chủ yếu là vui chơi chuyển sang môi trường học tập, bắt đầu tiếp nhận kiến thức.

Hãy để trẻ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”
Hãy để trẻ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

Trong thời điểm mang tính bước ngoặt này, thay vì tạo ra những áp lực không đáng có đối với con, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị cho trẻ tâm thế vững vàng, tạo sự hứng thú cần thiết trước khi bước sang một môi trường học tập mới.

Với suy nghĩ lớp 1 là lớp đầu tiên của bậc học phổ thông, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nền tảng học tập cho tương lai về sau, phần lớn các bậc phụ huynh đều có mong muốn con mình được học ở một trường có uy tín, chất lượng cao. Đây cũng là lý do khiến cho không ít phụ huynh tìm mọi cách xin cho con vào học trong các trường điểm, trường có “danh tiếng” tốt.

Theo quy định, học sinh có thường trú, tạm trú tại địa phương nào thì làm thủ tục nhập học ở trường tiểu học tại địa phương đó. Tuy nhiên, một số phụ huynh đã tìm cách xin cho con một “suất” ở trường học khác, chấp nhận cho con học trái tuyến. Việc để cho trẻ học trái tuyến có thể gây ra những phiền phức không đáng có. Chẳng hạn như, các bậc phụ huynh sẽ phải phân công người đưa đón trẻ đi học trên một quãng đường xa, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trên đường.

Năm học 2018 - 2019 là năm học chào đón lứa học sinh “con rồng vàng” (sinh năm 2012). Dự kiến, số học sinh nhập học lớp đầu cấp tiểu học năm nay sẽ tăng từ 5 - 10% so với các năm trước. Do sĩ số học sinh tăng, nhiều bậc phụ huynh lại có mong muốn con mình được học trong những lớp chọn, lớp chất lượng cao để có điều kiện học tập, rèn luyện tốt nhất.

Để cạnh tranh với nhiều bạn bè khác nhằm giành được một “suất” vào học trong lớp chọn, trẻ phải dành nhiều thời gian cho việc luyện đọc, luyện viết, học tính toán, học ngoại ngữ, thậm chí cả những môn năng khiếu như: Hát, múa. Mặc dù ngành Giáo dục, các chuyên gia tâm lý đã khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1 nhưng không ít phụ huynh vẫn tìm cách cho con được học trước để “bằng bạn bằng bè”. Vô hình trung, những bậc phụ huynh này đã truyền cho trẻ áp lực học tập quá sớm. Việc phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, tâm lý của trẻ. Điều đáng lo là việc trẻ phải chịu áp lực về thành tích học tập ngay từ nhỏ và trong thời gian dài có thể gây ra sự ức chế, trầm cảm.

Có thể nhận thấy, với mỗi bậc phụ huynh, mong muốn cho con mình có được môi trường tốt nhất để học tập, rèn luyện từ những lớp học nền tảng đầu tiên là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những lo lắng, kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh dẫn tới việc tìm mọi cách xin cho con được học trong các trường điểm, lớp chọn có thể gây ra những căng thẳng, áp lực không đáng có, ảnh hưởng tới hoạt động học tập của trẻ sau này.

Vai trò quan trọng của các bậc phụ huynh trong giai đoạn bước ngoặt này là cần tạo cho trẻ cảm giác thích thú, háo hức khi chia tay trường mầm non, chuẩn bị bước vào lớp 1. Cần giúp trẻ có tâm thế thoải mái, sự hứng thú đón chờ những điều mới mẻ đang ở phía trước. Sự phát triển năng lực học tập trong môi trường hòa đồng, thân thiện sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với trường mới, bạn mới.

Do đó, các bậc phụ huynh cần giúp trẻ chuẩn bị bước vào môi trường mới một cách tự nhiên nhất để trẻ có thể tự tìm cách thích nghi thay vì bắt ép hay tạo áp lực cho trẻ. Về lâu về dài, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà ở các trường trên cùng địa bàn, không để chênh lệch lớn về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất dẫn tới “cuộc đua” xin vào trường điểm, lớp chọn thường diễn ra vào những dịp đầu năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ