Chuẩn bị giáo viên cho chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, công tác xây dựng đội ngũ là nhiệm vụ then chốt; đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải được triển khai sớm, đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời. 

Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Phú Thọ).
Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Phú Thọ).

Cách làm của ngành Giáo dục Phú Thọ được ông Nguyễn Minh Tường – Giám đốc Sở GD&ĐT – chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại.

- Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên như thế nào để đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông?

Để đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, Ngành luôn xác định công tác xây dựng đội ngũ là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải được triển khai sớm, đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời.

Trong thời gian qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo, triển khai hoàn thành việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, tổ chức rà soát xác định nhu cầu làm căn cứ thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (năm 2017 đã phối hợp Trường ĐHSP Hà Nội 2 tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho trên 400 giáo viên các cấp học).

Sở GD&ĐT cũng đã tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp; đội ngũ của từng cơ sở giáo dục, trên cơ sở đó đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu và chất lượng của đội ngũ hiện có; đồng thời căn cứ yêu cầu của của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới để tính toán số lượng, cơ cấu giáo viên, từ đó xác định nhu cầu đào tạo lại, bồi dưỡng và bổ sung giáo viên đối với những bộ môn còn thiếu, nhất là những môn chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, cùng với kế hoạch của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là hệ thống chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên được ban hành, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, ban hành kế hoạch và triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách đồng bộ, kịp thời, trước mắt là bậc tiểu học sau đó đến THCS và THPT.

Việc phối hợp với các Trường ĐHSP Hà Nội, Đại học quốc gia, ĐHSP Hà Nội 2,... trong tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, CBQL... cũng được chú trọng.

Theo đó, đối với CBQL, riêng năm học 2017 - 2018, Sở đã tổ chức bồi dưỡng cho 100% hiệu trưởng ở tất cả các bậc học; bậc THPT tập huấn đến cả phó hiệu trưởng, trong đó tập trung chủ yếu vào bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị hiệu quả trường học, công tác quản lý, xây dựng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay.

Đầu năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 1.044 lượt cán bộ quản lý (mầm non: 317, tiểu học: 299, THCS: 260 và THPT:168). Bên cạnh đó, chỉ đạo để các huyện, thành, thị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho trên 11.000 lượt CBQL, giáo viên mầm non, phổ thông.

- Với những đòi hỏi về đội ngũ, việc rà soát thực trạng thừa, thiếu và tính toán nhu cầu giáo viên các cấp học cùng với việc quy hoạch hệ thống trường lớp... trên địa bàn đã được thực hiện như thế nào?

Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tiến hành rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở kết quả rà soát để phối hợp thực hiện việc tham mưu điều chỉnh về cơ cấu đội ngũ giáo viên, đồng thời sắp xếp lại quy hoạch mạng lưới một cách phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Qua rà soát, ở thời điểm hiện tại, số giáo viên THCS và THPT cơ bản đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ giáo viên/lớp.

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới vào những năm tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tính toán để xác định nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng một cách phù hợp, sát thực tiễn; tích cực phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo văn bằng 2 nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu dạy và học, nhất là công tác chuẩn bị đội ngũ cho những bộ môn mới (Mỹ thuật, Âm nhạc ở THPT), cho dạy học tích hợp (Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên ở bậc THCS), ...;

Đối với bậc tiểu học, tính toán theo nhu cầu thực tế để đáp ứng triển khai chương trình sách giáo khoa mới, toàn tỉnh cần bổ sung thêm trên 800 giáo viên.

Để khắc phục tình trạng này, chuẩn bị đủ giáo viên theo quy định, Sở GD&ĐT đã hoàn thiện việc rà soát, tham mưu chỉ đạo việc sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên cân đối giữa các cấp học và giữa các địa phương trong tỉnh, đảm bảo đủ giáo viên theo lộ trình áp dụng chương trình sách giáo khoa mới (từ năm học 2019-2020 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2020-2021 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học phổ thông).

Trên cơ sở dự báo quy mô trường, lớp và học sinh trong những năm tới, đặc biệt là từ năm học 2019 – 2020 trở đi để xác định cụ thể nhu cầu, cơ cấu giáo viên từng cấp học, trên cơ sở đó có lộ trình cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên gây ảnh hưởng đến triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Phú Thọ) thực hành phân loại rác trên sân trường
Học sinh Trường tiểu học Thọ Sơn (Phú Thọ) thực hành phân loại rác trên sân trường

- Ông có thể nói rõ nhu cầu về đội ngũ của Phú Thọ để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, thừa thiếu ra sao? Giải pháp của địa phương khắc phục khó khăn liên quan đến vấn đề này là gì?

Trong giai đoạn từ nay đến năm học bắt đầu triển khai CT, SGK mới, ngành Giáo dục Phú Thọ sẽ tích cực rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn đầu mối đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên về cơ bản thực hiện theo hướng sắp xếp các trường trên cùng một địa bàn để thành lập mô hình trường có nhiều cấp học, giảm về tổ chức bộ máy, CBQL và nhân viên. Riêng giáo viên phải đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp, đáp ứng yêu cầu dạy và học.

Ở thời điểm hiện tại, tính theo nhu cầu quy định tại Thông tư 16, toàn tỉnh còn thiếu trên 800 (nếu tính đủ tỉ lệ 1,5 GV/lớp đối với dạy học 2 buổi/ngày), hiện đạt tỷ lệ bình quân 1,38 giáo viên/lớp, tuy nhiên về cơ bản tỷ lệ này cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy và học.

Dự kiến đến năm học 2019 - 2020 (năm đầu triển khai bậc tiểu học): toàn tỉnh có 5.166 lớp, tăng 684 lớp so với hiện nay, riêng lớp 1 là 1.027, tăng 70 lớp.

Nhu cầu giáo viên tiểu học đến năm học 2019 - 2020 đảm bảo tỷ lệ 1,5 gv/lớp là 7.749, so với hiện tại sẽ thiếu trên 1.500 gv (so với số biên chế được giao hiện nay là 6.207 gv/5.166 lớp, đạt 1,2 gv/lớp; thiếu 0,3).

Như vậy trước mắt để đáp ứng riêng lớp 1 năm học 2020 - 2021 đạt 1,5 gv/lớp sẽ thiếu (0.3 x 1.027) = 308 giáo viên.

Đến năm học 2020 - 2021: Dự kiến có 5.216 lớp, tăng so với 2020 - 2021 là 50 lớp, nhu cầu giáo viên cần 5.216 x 1,5 = 7.824.

Đến năm học 2021 - 2022: Dự kiến có 5.257 lớp, nhu cầu giáo viên cần 5.257 x 1,5 = 7.886 giáo viên.

Với THCS: Hiện nay, tính toán theo nhu cầu quy định tại Thông tư 16, toàn tỉnh dôi dư 433 giáo viên.

Đến năm học 2020 - 2021 (năm đầu triển khai bậc THCS), dự kiến có 3.513 lớp THCS, tăng so với hiện nay 1.024 lớp, trong đó riêng lớp 6 có 928 lớp, tăng so với hiện tại 291 lớp; như vậy tính đến năm học 2021 - 2022, nhu cầu giáo viên THCS là 3.513 x 1,9 = 6.675, toàn tỉnh sẽ thiếu so với hiện nay (6.675 - 5.611) = 1.064 giáo viên.

Như vậy số giáo viên dôi dư hiện nay, trước mắt rà soát để có kế hoạch bố trí cho đi đào tạo văn bằng 2, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn tích hợp, đồng thời kiêm nhiệm các công việc khác (trên thực tế hiện nay toàn tỉnh chưa được bố trí nhân viên thiết bị trường học theo quy định, toàn bộ công tác này đều do giáo viên đảm nhận);

Đồng thời theo rà soát, số giáo viên THCS đủ tuổi nghỉ hưu từ 2018 đến hết 2021 là 287 người, số biên chế dôi ra do giáo viên THCS nghỉ hưu, Ngành sẽ xem xét phối hợp đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh dần theo từng năm cho bậc tiểu học để đáp ứng yêu cầu trước mắt của năm học 2019 - 2020.

Theo kết quả khảo sát (tháng 5/2017), tỷ lệ giáo viên được đào tạo 02 chuyên ngành có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn tích hợp chiếm tỷ lệ gần 32%.

Với THPT: Đến năm học 2021 - 2022, triển khai chương trình mới đến cấp THPT, dự kiến có 994 lớp, tính bình quân 2,25 gv/lớp, toàn tỉnh cần 2.237 giáo viên, so với hiện tại thiếu 313 giáo viên, trong đó riêng giáo viên các bộ môn chưa có trong chương trình hiện hành (Âm nhạc, Mỹ thuật), tính bình quân 2 giáo viên/trường x 35 trường = 105 giáo viên.

>> Bài 3: Giải bài toán cơ sở vật chất

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ