Nắm rõ nhu cầu nhân lực, xác định chỉ tiêu phù hợp
Th.S Trần Linh Quân - Hiệu trưởng Trường CĐSP Ngô Gia Tự (Bắc Giang) - cho biết: Trước mắt năm 2014, trường vẫn tổ chức xét tuyển theo 3 chung của Bộ GD&ĐT. Năm 2015, 2016 có thể trường sẽ tổ chức thi riêng ở một số ngành.
Phương hướng đổi mới cụ thể như sau: Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương, phù hợp với khả năng và thế mạnh của nhà trường.
Phương thức thi kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Bên cạnh đó, dựa trên chuẩn đầu ra cho từng ngành đào tạo, nhà trường xây dựng môn thi (hoặc xét tuyển) cụ thể đối với từng ngành đào tạo.
Trước chủ trương giảm chỉ tiêu các trường sư phạm của Bộ GD&ĐT, Th.S Trần Linh Quân cho biết nhà trường đã xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy dựa trên việc tìm hiểu nhu cầu thực tế giáo viên từng bộ môn của địa phương trong giai đoạn 2015 - 2020.
Ngoài ra, nhà trường tập trung chú trọng trong đào tạo lại và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng sự đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Dự kiến năm 2014, Trường CĐSP Ngô Gia Tự sẽ tuyển 1.290 chỉ tiêu hệ CĐ. Trong đó, các ngành sư phạm 740 chỉ tiêu, ngoài sư phạm là 550 chỉ tiêu. Ngoài ra, trường còn có hệ trung cấp ngành sư phạm mầm non với 600 chỉ tiêu.
“Để giảm chỉ tiêu đảm bảo cân đối cung cầu, theo tôi, các trường cần phải nắm rõ nhu cầu nhân lực đối với từng ngành nghề mà mình đào tạo, trên cơ sở đó để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp” - Th.S Quân nhấn mạnh.
Xây chuẩn đầu ra để tuyển sinh viên giỏi
Khẳng định tuyển sinh là một vấn đề quan trọng trong hoạt động đào tạo, ông Quân cho rằng, để tuyển được sinh viên giỏi vào học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên tương lai, trước hết các trường sư phạm cần xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trên cơ sở đó, dựa vào yêu cầu về năng lực, kỹ năng, phẩm chất cần có của sinh viên sau khi tốt nghiệp để xác định phương thức tuyển sinh phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của bản thân nhà trường, cần có chính sách đồng bộ đi kèm ở cấp vĩ mô (chế độ tiền lương, thu nhập sau khi ra trường…).
Cũng như vậy, Trường ĐH Đồng Tháp dự kiến sẽ tuyển sinh riêng đối với một số ngành thuộc khối năng khiếu nghệ thuật vào năm 2015.
Theo TS Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, dự kiến trong năm 2014, trường sẽ tổ chức dự thảo đề án tuyển sinh riêng, công bố rộng rãi xin ý kiến góp ý của xã hội. Ngoài một số ngành thuộc khối năng khiếu nghệ thuật có thể tuyển sinh riêng sớm, từ năm 2015, các ngành còn lại sẽ tổ chức tuyển sinh riêng kể từ năm 2017.
Cố gắng xây dựng đề án tuyển sinh trước 2016
Cũng đang nỗ lực để có thể sớm tự chủ tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP thành phố Hồ Chí Minh - cho biết: Trường sẽ lập một ban xây dựng đề án tuyển sinh sau 2016; việc này có thể tiến hành sớm hơn nếu có điều kiện.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng dự định phương thức tuyển sinh của trường trước hết thông qua xét tuyển (sơ tuyển) hồ sơ thí sinh dựa trên thành tích học tập ở phổ thông và các thành tích hoạt động xã hội khác… trước khi kiểm tra kiến thức và năng lực sư phạm. Những thí sinh qua vòng sơ tuyển sẽ đến trường dự tuyển.
“Tuy nhiên đó mới là dự định cá nhân. Các chuyên gia về tuyển sinh và các trưởng khoa sẽ có ý kiến khi triển khai đề án” - PGS.TS Nguyễn Kim Hồng cho biết.