Chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới - Đề cao trách nhiệm địa phương

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông là trách nhiệm của các địa phương. Trong giai đoạn tới nguồn vốn trung ương hỗ trợ sẽ ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới - Đề cao trách nhiệm địa phương

Về những công việc chính trong giai đoạn 2017 – 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các nội dung trong Công văn số 1428/BGDĐT-CSVCTBTH về việc tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phân loại theo 3 nhóm: Còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; hư hỏng nhưng không thể cải tạo, sửa chữa được.

Cả nước hiện có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT, 14.883.647 học sinh, 476.924 lớp học và 419.903 phòng học.

Trên cơ sở đó tổ chức cải tạo, sửa chữa và tự làm thiết bị dạy học; thống kê, sắp xếp, quản lý và đưa vào khai thác sử dụng thiết bị dạy học phục vụ dạy học theo chương trình hiện hành một cách hiệu quả; xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung (có chọn lọc) phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, chỉ đạo để các cơ sở giáo dục phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; tránh tình trạng thụ động, trông chờ sự đầu tư từ Trung ương và địa phương.

Tham mưu với chính quyền địa phương, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục huy động các nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; các chương trình (kiên cố hóa, chương trình mục tiêu quốc gia); các dự án vốn vay; xã hội hóa… tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo lộ trình.

Bộ GD&ĐT cho rằng, việc đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông là trách nhiệm của các địa phương, trong giai đoạn tới nguồn vốn trung ương hỗ trợ sẽ ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, các tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương cần chủ động huy động nhiều nguồn từ ngân sách địa phương, kêu gọi xã hội hóa và các nguồn tài trợ để góp phần từng bước giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất các trường học.

Đồng thời lưu ý, trong quá trình đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cần tổ chức một cách khoa học, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo nguyên tắc “Chỉ đầu tư, mua sắm những thứ chương trình yêu cầu; người trực tiếp sử dụng phải thực sự tham gia vào quá trình đề xuất đầu tư và tổ chức mua sắm; đặc biệt chú trọng công tác kiểm định, nghiệm thu sản phẩm trong quá trình đầu tư, mua sắm”.

Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương: Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Điều lệ trường học, các quy định về công nhận trường chuẩn quốc gia,...

Xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học. Rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2021 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ