(GD&TĐ) - “Chúng con chỉ làm chuyện đó bên ngoài, sao lại có bầu?”, “Con nghĩ quan hệ xong, ngồi ngay dậy, vặn người, tắm rửa rồi sẽ không sao”,“Lần nào quan hệ xong con cũng uống tránh thai khẩn cấp mà vẫn có thai?”… Các bác sĩ tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho biết: Những câu hỏi và cách tự lý giải ngây ngô đó của trẻ vị thành niên đã khiến các em mang thai ngoài ý muốn và những hệ lụy đáng buồn.
Nhiều “chiêu” mà vẫn không biết “tránh”
Lo lắng về chuyện mình mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng Hồng Hạnh (Hà Nội) 16 tuổi vẫn nhất quyết khẳng định với các bác sĩ rằng chuyện đó “thật là vô lý” vì em đã… quan hệ tình dục (QHTD) an toàn. Hỏi kỹ thì các bác sĩ mới té ngửa vì QHTD mà Hạnh cho là an toàn nghĩa là quan hệ với… người yêu. Vì nghĩ như vậy, nên Hạnh đã không có biện pháp bảo vệ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Khi đến các cơ sở y tế để giải quyết chuyện “lỡ dại”, phần lớn các bạn trẻ vị thành niên, thanh niên (VTN, TN) đều giống như Hạnh - thiếu thông tin, thiếu kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục. Nhưng cũng có rất nhiều bạn tự tin vào kiến thức mình thu thập được mà vẫn thắc mắc vì sao “dính” bầu, “dính” bệnh. Theo Điều tra về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ hai (SAVY 2) cho thấy, có tới 80% VTN, TN biết về các biện pháp tránh thai nhưng trên thực tế, tránh thai như thế nào thì các em lại rất là “mơ hồ”.
Bên cạnh việc sử dụng biện pháp tránh thai không đúng cách, điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ SKSS của VTN là tuổi quan hệ tình dục lần đầu đang thấp đi. Trong một hội thảo toàn quốc nghiên cứu tình dục và SKSS gần đây, BS Nguyễn Duy Tài - Trưởng bộ môn phụ sản ĐH Y Dược TP HCM cho hay: Tỉ lệ vị thành niên có thai ngoài ý muốn có xu hướng gia tăng, năm 2008 là 2,15%, năm 2009 lên 2,45% (khảo sát được thực hiện tại 3 cơ sở y tế công ở TP HCM là Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Chăm sóc SKSS). Theo bác sĩ Tài, khảo sát trong nhóm vị thành niên có thai ngoài ý muốn, tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục trung bình là 14 (sớm hơn nhiều so với con số trong SAVY 2 năm 2010 là 18,1 tuổi, còn trước đó 5 năm là hơn 19 tuổi). Thậm chí có những bé gái có quan hệ tình dục lần đầu (tự nguyện) khi mới 10 tuổi.
Tư vấn cho vị thành niên về SKSS cần lắng nghe để hiểu và giúp các em một cách tốt nhất |
Những “lỗ hổng” cần lấp đầy
Hiện nay việc giảng dạy về SKSS trong các trường học còn bất cập và hạn chế. Các bài giảng chưa hấp dẫn, giáo viên giảng dạy còn tâm lý e ngại, nhiều học sinh né tránh. Lượng kiến thức thu được từ nhà trường ít nên đa số các em tìm hiểu về SKSS, sức khỏe tình dục qua sách, báo, ti vi, thậm chí là phim ảnh ngoài luồng. Cô Nguyễn Thị Quyên – Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi chưa được cung cấp bất cứ một tài liệu, khung chương trình nào về giáo dục SKSS VTN. Trong giờ tôi dạy về SKSS, các biện pháp tránh thai thì nhiều học sinh e ngại, thậm chí có giáo viên né tránh việc giảng dạy này”. Còn bà Hà Thị Dung – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT cho rằng tình trạng trên là do các giáo viên phải kiêm nhiệm: “Họ phải lo nhiều việc khác nữa nên không thể chú trọng vào việc giáo dục SKSS, giới tính hay việc lồng ghép các nội dung vào học chính khóa thì bản thân giáo viên dạy môn đó cũng chưa đầu tư thời gian, công sức để tìm ra các phương pháp tiếp cận tốt nhất để chuyển tải cho học sinh”.
Để khắc phục những “lỗ hổng” cả về nhận thức và hành vi của VTN, TN trong chăm sóc SKSS, theo các nhà hoạch định chính sách và chính các bạn trẻ: Cần xây dựng chương trình thí điểm giáo dục SKSS trong các trường THPT, kết hợp trong các môn học: Giáo dục công dân, Sinh học…
Tỷ lệ phá thai trung bình cả nước giảm, nhưng hàng năm vẫn có 120.000- 130.000 ca nạo phá thai. Một số tài liệu cho thấy, trong số tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta, 20% là ở lứa tuổi vị thành niên, trên cả nước có 5% em gái sinh con trước tuổi 18, 15% sinh con trước tuổi 20. |
Hà Minh