Chưa tới 3.000 người chết vì Covid-19 tại Australia, Mỹ nêu hiệu quả của liều 3 vắc xin mRNA

GD&TĐ - Theo Worldometer, thế giới có 346.600.926 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.464.894 ca mới. Số ca tử vong là 5.602.684 ca, gồm 8.673 ca mới.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Australia.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở Australia.

Tại Australia, hôm qua (21/1), nhà chức trách báo cáo ngày chết chóc nhất của đại dịch với 80 ca tử vong do Covid-19 gây ra trong bối cảnh sự bùng phát của Omicron tiếp tục gây thiệt hại.

Tuy nhiên, Thủ hiến bang đông dân nhất là New South Wales Dominic Perrottet cho biết số ca nhập viện giảm nhẹ đã mang lại cho ông một số hy vọng về việc hệ thống y tế sẽ không bị quá tải.

Kỷ lục trước đó về số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày diễn ra vào thứ 3 vừa qua khi có 78 người thiệt mạng. Hiện Australia có chưa tới 3.000 ca tử vong vì đại dịch.

Tại Singapore, đồng Chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 Gan Kim Yong cho biết nước này có thể sẽ sớm chứng kiến một “làn sóng nghiêm trọng” về Covid-19 khi biến thể Omicron hiện đang chiếm ít nhất 70% ca nhiễm.

“Trên thực tế, tỷ lệ trên có thể cao hơn, có thể gần 90% hoặc hơn. Omicron rõ ràng đã chiếm ưu thế so với biến thể Delta ở Singapore” – ông Gan cho biết trong một cuộc họp báo – “Do biến thể Omicron có khả năng lây lan cao hơn, nên có thể chúng ta sẽ sớm thấy một làn sóng dịch lớn”.

Trong khi đó Bộ Y tế cũng dự đoán số ca mắc sẽ tăng mạnh. Trong một thông cáo báo chí, Bộ này cho biết số ca mắc có thể tăng gấp đôi sau 2-3 ngày và có thể lên tới 10.000 đến 15.000, thậm chí nhiều hơn.

Ông Gan cho biết hầu hết các ca mắc Covid-19 đều ở mức độ “nhẹ”, đặc biệt là ở người đã tiêm chủng đầy đủ và thậm chí nhẹ hơn ở người đã được tiêm tăng cường.

“Tỷ lệ người cần bổ sung oxy, chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong thấp hơn nhiều so với trong đợt Delta. Điều này phù hợp với kinh nghiệm của các nước khác như Nam Phi và Vương quốc Anh” – ông nói thêm. Tuy nhiên, ông cho biết do khả năng lây truyền mạnh của Omicron nên không được mất cảnh giác. Số ca tăng không kiểm soát về ca mắc tổng thể vẫn có thể đẩy số người nhập viện và phải chăm sóc đặc biệt đến mức không thể kiểm soát được.

Tại Mỹ, 3 nghiên cứu cho thấy liều thứ 3 vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại biến thể Omicron khi nó cung cấp 90% khả năng giúp người bệnh không phải nhập viện – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hôm qua.’

Nhìn chung, họ cho rằng tiêm tăng cường giúp bảo vệ chống lại lây nhiễm và ca mắc có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tiêm tăng cường do BioNTech sản xuất với Pfizer hoặc Morderna.

Trong một nghiên cứu, họ phát hiện ra khả năng bảo vệ của 2 liều vắc xin giảm xuống 57% ở người tiêm mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng trước đó. Trong số những người được tiêm nhắc lại, tỷ lệ bảo vệ của vắc xin đối với nhập viện và chăm sóc khẩn cấp là 90%.

Theo CNA/Worldometer

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ