Chưa thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi) tại kỳ họp này

Chưa thông qua Bộ luật lao động (sửa đổi) tại kỳ họp này

(GD&TD)-Tại phiên thảo luận ở tổ chiều qua (16/11), các ĐBQH đã nêu nhiều ý kiến về đời sống người lao động trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi). Ngày 22/11 tới, dự thảo sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ chưa thông qua Bộ luật này.

Cần
Cần bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ vì đây là nhóm lao động yếu thế trong xã hội (ảnh MH)

Tại phiên thảo luận tổ của đoàn Đồng Nai- một trong những địa phương có số vụ đình công nhiều nhất nước (theo đánh giá của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội từ năm 1995- 2006), đại biểu Đặng Ngọc Tùng- Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng với mức lương tối thiểu và tình hình giá cả hiện nay, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn.

Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Bộ luật cần làm rõ hàng năm chỉ số giá tiêu dùng tăng bao nhiêu thì căn cứ theo đó để điều chỉnh mức lương tối thiểu.

Đối với quy định về thỏa ước lao động tập thể sẽ có tác dụng hạn chế tranh chấp, ông Đặng Ngọc Tùng đề nghị khi doanh nghiệp đi vào hoạt động được một thời gian nhất định thì bắt buộc phải thực hiện Thỏa ước lao động tập thể. Hiện ở Việt Nam, cấp ngành kinh tế chưa có nhiều thỏa ước lao động tập thể, nhưng một số ngành như may mặc thực hiện Thỏa ước rất tốt.

Về vấn đề đình công, Điều 240 của Bộ luật quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền hoãn hoặc ngừng đình công khi thấy đình công gây nguy hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn Chủ tịch tỉnh liệu có thể xác định được việc đình công nguy hại cho nền kinh tế quốc dân và e ngại Chủ tịch UBND tỉnh sẽ lạm dụng quyền này, ảnh hưởng đến quyền lợi đình công hợp pháp của người lao động.

Theo nhiều đại biểu khác, cần phải tăng cường hơn nữa việc tham vấn, đối thoại về quyền, lợi ích của các bên liên quan tại cơ sở để giải quyết tranh chấp.

Liên quan đến những nội dung khác trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) như thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, các đại biểu đều cho rằng tăng thời gian nghỉ thai sản là phù hợp với yêu cầu thực tế (hiện hành luật quy định là nghỉ thai sản 4 tháng).

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần thống nhất thời gian nghỉ là 6 tháng, có ý kiến đề nghị là 5 tháng (đối với lao động nữ trong điều kiện làm việc bình thường), 6 tháng đối với lao động nữ làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại và giữ nguyên thời gian nghỉ 6 tháng đối với lao động nữ là người khuyết tật.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị Bộ luật lao động sửa đổi nên bổ sung quy định về việc ưu tiên đối với lao động nữ có thai trong vòng ba tháng đầu hoặc sau 7 tháng thai kỳ vì trong thời kỳ này rất nhạy cảm với sức khỏe, nếu phải đi công tác rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Đại biểu cho rằng khi quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ, nên phân theo nhóm, vùng miền cho phù hợp.

Về độ tuổi về hưu của lao động nữ, một số đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng nên để cho lao động nữ có quyền nghỉ hưu hay không khi đã 55 tuổi.

Theo các đại biểu này, không nên nghĩ rằng nhiều lao động nữ muốn làm việc tiếp khi đã 55 tuổi, thậm chí một số ngành nghề hiện nay cần phải quy định tuổi về hưu sớm hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) gợi ý, luật có thể quy định với cùng một xuất phát điểm, nữ giới sẽ có bậc lương cao hơn nam giới một hoặc hai bậc để khi họ về hưu (khoảng 55 tuổi với quy định giữ nguyên quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu) có bậc lương tương đương khi nam giới về hưu (60 tuổi).

Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), việc ban hành Bộ luật Lao động không chỉ thuần túy là vấn đề xã hội mà còn phải được cân nhắc ảnh hưởng về mặt kinh tế bởi lao động là đội ngũ trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Khi quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động; đồng thời có tính ổn định, lâu dài tránh phải sửa đổi nhiều lần.

Theo đại biểu Phúc, quy định như trong dự thảo luật chưa cụ thể, chưa có tính định hướng. Những phụ nữ làm công việc nặng nhọc thì cần được nghỉ hưu sớm, ngược lại những phụ nữ làm công tác nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp thì nên được kéo dài thời gian công tác để tận dụng kiến thức đóng góp cho xã hội.

Đại biểu Phúc đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng, nam và nữ đều làm việc đến đủ 60 tuổi rồi nghỉ. Đối với những trường hợp lao động nặng nhọc thì nam có thể nghỉ hưu ở 55 tuổi, nữ có thể nghỉ ở độ tuổi 50.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị Quốc hội cần quan tâm đến điều kiện để được nghỉ hưu là phải đóng bảo hiểm đủ thời hạn 20 năm. Theo đại biểu, quy định này chi phối mạnh mẽ việc nghỉ hưu đối với lao động nữ.

Đại biểu Hòa dẫn chứng, nhiều trường hợp, lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm, muốn xin đóng trước thì ngành Bảo hiểm không cho phép, vì vậy, không thể nghỉ hưu theo chế độ được. Đây là điều bất hợp lý.

Đại biểu Hòa cũng đề nghị Chính phủ cần tích cực chỉ đạo việc hỗ trợ thai sản đối với lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp khi sinh nở vì đây là nhóm lao động yếu thế trong xã hội.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ