(GD&TĐ) - Thách thức trong công tác bồi dưỡng hè cho giáo viên vẫn là chất lượng. Không giải được bài toán này, công tác bồi dưỡng hè chỉ là hình thức, chiếu lệ, lãng phí thời gian và tiền bạc
Quan trọng vẫn là chất lượng
Đối với GV tiểu học, tập huấn hè là việc làm cần thiết. Ảnh: Lê Văn |
Bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong dịp hè là hoạt động thiết thực, bổ ích, vừa hâm nóng lại không khí chuyên môn sau thời gian nghỉ hè, vừa xốc lại tinh thần, ý chí, tư tưởng của giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới. Vì vậy, công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên thường diễn ra từ tháng 8.
Nhiều hiệu trưởng cho biết: Thời gian nghỉ hè của giáo viên bắt đầu từ 1/6 hàng năm nhưng mỗi cấp học, ngành học tùy vào kế hoạch mà có thể thời gian nghỉ khác nhau. Đối với bậc Mầm non, Tiểu học, kết thúc năm học GV có thể nghỉ hè, còn đối với GV bậc trung học (bao gồm THCS, THPT) còn có kỳ thi chuyển cấp (lớp 9 lên lớp 10). Vì vậy, thời gian bồi dưỡng giáo viên thường bắt đầu vào tháng 8 là hợp lý nhất.
Bồi dường thường xuyên hè có chương trình bồi dưỡng tư tưởng, chính trị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Hình thức bồi dưỡng tập trung (theo bố trí, tổ chức của sở, hoặc phòng giáo dục) trong một thời gian (từ 1 ngày đến 1 tuần). Đặc biệt, vào thời kỳ thay sách, chương trình bồi dưỡng trong hè được quan tâm và tương đối nề nếp vì bất cứ giáo viên nào cũng phải học tập, nghiên cứu tìm hiểu chương trình để có thể giảng dạy tốt phần chương trình mà mình đảm nhiệm" - thầy Đức Long - Trường THPT Cầu Giấy cho hay.
Nhưng chất lượng bồi dưỡng chuyên môn trong hè còn là một khoảng cách so với yêu cầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng này có nhiều nguyên nhân: Trước hết, một số cơ sở triển khai chương trình bồi dưỡng “đầu voi, đuôi chuột”. Lúc triển khai thì rất hoành tráng, nhưng nội dung thiếu thiết thực, có khi cắt xén cả thời gian, hình thức. Phương pháp bồi dưỡng đơn điệu nên nhàm chán, kém hiệu quả. Nói là bồi dưỡng, nhưng chủ yếu là giảng viên thuyết trình (một cách không đầy đủ) nội dung chuyên đề với nội dung nghèo nàn, cách thức chuyển tải không thu hút nên khó cuốn hút được giáo viên. Có thể nói, ngoài chương trình, tài liệu, cách tổ chức bồi dưỡng... thì người lên lớp giảng bài, hướng dẫn là nhân tố quan trọng nhất. Thậm chí thực tế cũng cho thấy, hiệu quả công tác bồi dưỡng hè gắn liền với uy tín cá nhân của người bồi dưỡng về trí tuệ, tài năng sư phạm, nhiệt huyết và đạo đức. Trong khi đó, vấn đề này không phải sở, phòng... nào cũng làm tốt khi tổ chức các đợt tập huấn cho cán bộ, giáo viên.
Nhiều giáo viên từng tham gia các lớp tập huấn cho rằng: “Các phòng tổ chức bồi dưỡng cần có đầy đủ ánh sáng, quạt mát... thì công tác tập huấn mới đạt hiệu quả, và cải tiến chất lượng bồi dưỡng”.
Cho đến nay, công tác bồi dưỡng hè chưa có một mô hình chuẩn nào. Mỗi cơ sở tùy hoàn cảnh cụ thể, mà lựa chọn cách làm phù hợp. “Công tác bồi dưỡng hè đã tạo điều kiện để giáo viên hiểu chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy thích hợp. Đó là cái được lớn nhất. Còn cái chưa được chính là hiệu quả bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra” - thầy Lê Tiến Hợi - Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề hướng nghiệp, GDTX Hương Sơn (Hà Tĩnh) trao đổi.
Hướng đi nào cho công tác bồi dưỡng hè?
Tập huấn cho GV góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Lê Văn |
Để công tác bồi dưỡng hè đáp ứng được mục đích, yêu cầu, trước hết các cơ sở GD (Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố; Phòng GD&ĐT các huyện thị) cần quán triệt tinh thần chỉ thị về công tác bồi dưỡng hè của Bộ GD&ĐT, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng hè từ đầu năm học. Có như vậy mới có được tinh thần chủ động cho công tác bồi dưỡng hè.
Mặt khác, Sở GD&ĐT mỗi tỉnh, thành phố cần ra quyết định thành lập ban bồi dưỡng, lên kế hoạch, soạn thảo chương trình, đặc biệt là xây dựng được mạng lưới chuyên môn (gồm những giáo viên có uy tín trong chuyên môn). Từ mạng lưới chuyên môn nắm bắt được những vấn đề nảy sinh trong thực tế thực hiện chương trình ở cơ sở để từ đó đề xuất nội dung bồi dưỡng.
Chẳng hạn, nhân cơ hội đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn vừa qua được đánh giá là đề mở, sáng tạo, có thể gợi ý cho các Sở GD&ĐT mở chuyên đề bồi dưỡng hè 2013 cho GV môn Ngữ văn (THPT) với nội dung: Thế nào là đề văn mở? Cách ra đề văn mở như thế nào phù hợp với học sinh? Chắc rằng, với cách làm này thì các lớp bồi dưỡng hè cho giáo viên văn sẽ nhận được sự hào hứng của giáo viên và đạt hiệu quả cao.
Cũng nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết bài toán chất lượng bồi dưỡng hè, các bộ phận chuyên môn cần ngồi lại với nhau để điều tra, đề xuất những vấn đề cần bồi dưỡng. Vấn đề phải là mối quan tâm của đa số giáo viên.
Chúng ta đang khuyến khích đổi mới phương pháp giáo dục, vì vậy với việc bồi dưỡng hè, nhất thiết phải đổi mới. Thay vì thuyết giảng một chiều, cần nêu vấn đề để giáo viên thảo luận, tranh luận, đóng góp và cuối cùng rút ra được những bài học bổ ích. Có như vậy, bồi dưỡng mới trở thành sân chơi trí tuệ của GV.
Đối với khâu tổ chức cũng tránh rườm rà. Việc tập trung toàn bộ giáo viên cả tỉnh đến một địa điểm gây không ít khó khăn cho nhà tổ chức. Vì vậy, thay vì tổ chức cồng kềnh, nên tổ chức theo cụm. Tùy vào tình hình cụ thể mà cụm đó (gồm vài ba huyện hay một số trường) phải gần gũi nhau về địa lý, đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ, không quá xa đối với giáo viên. Nếu tổ chức theo cụm có thể tổ chức cuốn chiếu để tranh thủ được đội ngũ chuyên môn có chất lượng.
Qua nắm bắt thực tế, hiện nay mạng lưới chuyên môn ở cơ sở hoạt động chưa thường xuyên. Vì vậy, Sở GD&ĐT cần xây dựng mạng lưới chuyên môn để không chỉ giúp sở trong công tác thanh tra chuyên môn mà còn giúp sở trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Mạng lưới chuyên môn cần duy trì hoạt động đều đặn theo định kỳ. Nếu có thể, sở tạo điều kiện để các thành viên tham gia mạng lưới chuyên môn đóng góp cho công tác bồi dưỡng.
Công tác kiểm tra (bằng bài thu hoạch hay bài kiểm tra trên giấy tại chỗ trong thời gian nhất định) cũng là một cách để tăng cường hiệu quả bồi dưỡng. Tuy vậy, xung quanh vấn đề kiểm tra vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho là nặng nề, lại có ý kiến rằng cần kiểm tra đánh giá mới quản được giáo viên... Vì vậy, để kiểm tra tránh được nặng nề và những sai sót, cần tính toán chặt chẽ, tổ chức (bao gồm ra đề, công tác coi thi, chấm thi, lên kết quả) phải đồng bộ, nghiêm túc, trung thực và khách quan. Vấn đề sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch kinh phí bồi dưỡng cũng là khâu quan trọng. Tránh thu kinh phí, đóng góp cho các đợt tập huấn bởi sẽ gây nên những khó khăn cho cán bộ giáo viên tham dự tập huấn.
Lê Văn