Chưa bao giờ thích hợp hơn để triển khai STEM tại Việt Nam

Giáo dục STEAM vẫn còn mới mẻ đối với nhiều địa phương. Ảnh minh họa/Internet.
Giáo dục STEAM vẫn còn mới mẻ đối với nhiều địa phương. Ảnh minh họa/Internet.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen phát biểu tại diễn đàn.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Højlund Christensen phát biểu tại diễn đàn. 

Đại sứ Kim Christensen nhấn mạnh tầm quan trọng của STEAM đối với thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và cho rằng: Mục đích chính của STEAM không phải đào tạo ra các nhà khoa học mà là truyền cảm hứng học tập, giúp học sinh thấy được sự kết nối giữa các nội dung kiến thức, đặc biệt kiến thức về khoa học, toán học; thấy tầm quan trọng của kiến thức tác động đến xung quanh.

Ngoài ra, các kĩ năng thực hành đóng vai trò quan trọng trong ứng dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

“Chưa bao giờ thích hợp hơn lúc này để triển khai STEM tại Việt Nam. Việt Nam đang đánh giá cao phương pháp giáo dục này. Hy vọng, Bộ GD&ĐT có hành động và chính sách cụ thể để triển khai một cách đồng bộ giáo dục STEM. Điều này không dễ vì liên quan đến đội ngũ giáo viên và trang thiết bị dạy học, nên rất cần có một khung chương trình để tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này” – Đại sứ Kim Christensen cho hay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại diễn đàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại diễn đàn. 

Chia sẻ về triển khai STEAM tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thế giới đã và đang chứng kiến những biến đổi sâu sắc về mọi mặt. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.

Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho thế hệ tương lai nền tảng văn hoá vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu.

Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Ngay trong chương trình hiện hành của Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, như phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp bàn tay nặn bột, đặc biệt là dạy học tích hợp, liên môn.

Giáo dục STEAM vẫn còn mới mẻ đối với nhiều địa phương. Ở các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển, giáo dục STEAM đã bước đầu được tiếp cận và triển khai.

Ở những trường không có điều kiện, nhiều thầy cô giáo, với sự hỗ trợ của ban giám hiệu, cha mẹ học sinh, với cách hiểu đơn giản, thực tiễn về STAEM đã tìm tòi, sáng tạo, phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của mình và đồng nghiệp để xây dựng các hoạt động dạy học làm cho bài dạy hấp dẫn hơn với học sinh.

Chính vì thế, để đạt được những yêu cầu đặt ra đối với công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế nhằm nhanh chóng đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo một cách phù hợp ở tất cả các cấp bậc học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phát triển nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện học tập ở những vùng kinh tế xã hội khó khăn... để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với giáo dục, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng khó khăn.

Bộ GD&ĐT Việt Nam tin tưởng Diễn đàn này sẽ tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Đan Mạch trên nhiều phương diện, hỗ trợ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà Việt Nam đang tiến hành - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ