Hội thảo Xây dựng và thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên giai đoạn 2010-2015”. Ảnh: N.N |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định như vậy tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên giai đoạn 2010-2015” diễn ra sáng nay (26/3) tại Hà Nội.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT đã đặt ra yêu cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được thực hiện thường xuyên và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Vai trò của việc BDTX cũng được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Chương trình BDTX cho giáo viên đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, SGK mới cho giáo dục phổ thông. BDTX không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, của cơ sở giáo dục mà còn là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi giáo viên.
Về định hướng phát triển, Chương trình BDTX cho giáo viên giai đoạn 2010-2015, ông Bùi Văn Quân, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chương trình tập trung tăng cường phát triển nghề nghiệp, chú trọng phát triển năng lực thực hành cho giáo viên. Bồi dưỡng theo nhu cầu của giáo viên, cơ sở giáo dục và lấy nhà trường làm đơn vị bồi dưỡng. Thiết lập các chương trình bồi dưỡng linh hoạt, mềm dẻo, cung ứng đầy đủ, kịp thời hệ thống học liệu phục vụ công tác bồi dưỡng. Chuẩn hóa, xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Tăng cường phân cấp trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên…
Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh thế kỷ 21, bà Trần Thị Bích Liễu, ĐH Giáo dục – ĐHQGHN cho rằng, giáo viên thay việc yêu cầu học sinh “Học những kiến thức này và làm như thế này” bằng “Học sáng tạo kiến thức và cách làm”; dạy học sinh học nơi tìm kiếm thông tin thay cho việc dạy các em học cái gì
Ông Nguyễn Hữu Âu, Trung tâm NCGD&BDGV Trường ĐHSP Huế đề xuất việc thực hiện công tác BDTX nên được tiến hành thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1, tập trung cung cấp cho giáo viên đầy đủ giáo trình, tài liệu bồi dưỡng. Giáo viên tự học, tự nghiên cứu, chú trọng tổ chức học tập theo môn học, học trong từng tập thể sư phạm… Giai đoạn 2, mở các lớp bồi dưỡng tập trung với thời gian hợp lý trọng năm học để giảng viên hệ thống hóa kiến thức, cùng trao đổi và giải đáp thắc mắc của giáo viên, giảng sâu thêm một số vấn đề của chuyên đề bồi dưỡng. Giai đoạn 3, đánh giá hoàn thành học phần, cấp chứng chỉ bồi dưỡng…
Hiếu Nguyễn