Chú trọng "4 tại chỗ"

Chú trọng "4 tại chỗ"

(GD&TĐ) - Ngày 31/5/2013 là thời hạn cuối cùng theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo để các ngành, địa phương xây dựng xong phương án phòng chống lụt bão, ngập úng, phòng hộ đê điều, tìm kiếm cứu nạn, đối phó với mùa mưa bão 2013.

Theo đánh giá của chính Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo,  năm 2012 dù lụt bão không lớn nhưng vẫn diễn ra ngập úng nặng, nhiều đoạn đê kè sạt lở.

Cụ thể trên địa bàn thành phố có 28 sự cố xuất hiện trên các tuyến đê sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, Cà Lồ, Đáy, Tích. Đặc biệt, một số sự cố đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng), phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm)... Tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi còn diễn ra phổ biến.

Hệ thống tiêu thoát nước vẫn là nỗi lo lớn nhất của Hà Nội trong mùa mưa bão 2013
Hệ thống tiêu thoát nước vẫn là nỗi lo lớn nhất của Hà Nội trong mùa mưa bão 2013

Trong khi đó sự kết hợp giữa cơ quan quản lý và chính quyền các cấp trong công tác xử lý chưa chặt chẽ, điển hình như các huyện Ba Vì, Ứng Hòa. Công tác quản lý trật tự xây dựng ở một số quận, huyện còn lỏng lẻo; xử lý vi phạm không triệt để, kiên quyết nên tình trạng vi phạm còn tái diễn. Ngoài ra, một bộ phận nhân dân và một số quận huyện, xã phường và đơn vị còn có tư tưởng chủ quan trong việc phòng chống lụt bão…

Ông Thảo đã đề nghị các đơn vị cần triển khai ngay việc lên kế hoạch, phương án cụ thể, không được xem nhẹ, chủ quan và trông chờ vào sự chỉ đạo cấp trên.

Ở cấp phường xã, chủ trương của thành phố là chú trọng quan tâm đến phương châm “4 tại chỗ”; cùng với chuẩn bị vật tư, vật liệu, cần rà soát lại các trang thiết bị để kịp thời bổ sung. Ngoài huy động sức dân cần quan tâm phối hợp với các đơn vị quân đội, huy động phương tiện vận tải, phương tiện xe tư nhân để sẵn sàng ứng phó. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đất đai, đê điều và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống thoát nước, cây xanh, gia cố hạ tầng kỹ thuật.

Để đối phó với lụt bão năm 2003, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể. Đối với khu vực ngoại thành, tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, cơ bản gieo xong vụ mùa trước 30/6; đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng các khu vực ruộng trũng… Đối với khu vực nội thành, khai thác triệt để năng lực và chủ động tiêu nước đối với cụm công trình đầu mối Yên Sở, các hồ điều hòa và hệ thống công trình dẫn tiêu trong lưu vực, mở đập Thanh Liệt tiêu kiệt nước đệm trên sông Tô Lịch trước khi mưa bão xảy ra…

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong năm 2013, khả năng sẽ có 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (năm 2012 chỉ có 10 cơn bão). Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 - 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão chủ yếu ở tập trung vào các tháng 7, 8, 9.

Về mưa, khu vực Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ sẽ cao hơn mọi năm khiến lũ trên hệ thống sông các vùng này cũng sẽ cao hơn. Ngược lại, khu vực Tây Nguyên lượng mưa sẽ ít hơn, sông hồ cạn hơn và sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Như Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ