Nội dung chất vấn của bà Nguyễn Thị Vân Yến, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên:
Hiện nay các trường trung cấp được mở ra rất nhiều với các chuyên ngành đào tạo chủ yếu là: tin học, kế toán, quản trị kinh doanh. Các tỉnh đều có trường đại học. Khi một học sinh tốt nghiệp THPT thì có rất nhiều giấy mời vào nhập trường mặc dù không cần đến điểm thi đại học. Số lượng học sinh học nghề là rất ít. Trong khi các doanh nghiệp số lượng kế toán nhu cầu cần rất ít. Hầu như nhu cầu 1 chỉ tiêu thì có tới 15-20 người đăng ký. Còn nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp thì không có người vào đăng ký.
Thực trạng hiện nay là thừa thầy thiếu thợ. Mặc dù Chính phủ cũng đã có nhiều ưu đãi cho học nghề nhưng chủ yếu học để lấy tiền song lại không đi làm rất lãng phí và không có hiệu quả.
Xin Bộ trưởng cho biết cách xử lý và quan điểm của mình về các vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm”
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
1. Về vấn đề đào tạo nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động
Hệ thống các cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) bao gồm các trường TCCN, trường đại học, trường cao đẳng và các cơ sở giáo dục khác được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ TCCN. Trong những năm vừa qua hệ thống các cơ sở đào tạo TCCN có nhiều biến động, số cơ sở đào tạo TCCN tăng từ 476 cơ sở lên 535 cơ sở. Tuy nhiên số lượng các trường TCCN giảm từ 292 trường xuống còn 248 trường.
Đặc điểm của đào tạo TCCN là ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có các cơ sở đào tạo TCCN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế tại địa phương và khu vực, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ngay tại địa phương. Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phần lớn các cơ sở đào tạo TCCN đều phát triển theo hướng đào tạo đa ngành. Trong số ba ngành học mà Đại biểu Quốc hội đã nêu, có hai ngành: Kế toán, Tin học là hai ngành có nhiều cơ sở tham gia đào tạo do hai ngành này xã hội có nhu cầu nhân lực tương đối lớn, trong khi đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất, chi phí đào tạo hai ngành này lại thấp. Riêng ngành Quản trị kinh doanh mặc dù đòi hỏi đầu tư cơ sở vật chất và chi phí đào tạo thấp nhưng do xã hội ít có nhu cầu nên Bộ Giáo dục và Đào tạo hạn chế các trường TCCN đào tạo ngành học này. Tại Hội thảo đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng tổ chức năm 2009 với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, TCCN và các đơn vị có sử dụng nhân lực đã khẳng định nhu cầu nhân lực ngành Kế toán vẫn thiếu hàng trăm ngàn người đến năm 2015 để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các tổ chức, cơ quan Nhà nước, các hợp tác xã, các trường học, bệnh viện, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hàng chục ngàn doanh nghiệp mới được thành lập mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng học sinh tốt nghiệp ngành Kế toán còn khá thấp do giáo viên không có kinh nghiệm thực tế từ bên ngoài doanh nghiệp, dẫn đến kỹ năng thực hành của học sinh khá hạn chế, nên cơ hội việc làm bị ảnh hưởng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp không ngừng tạo điều kiện và nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
2. Về vấn đề tuyển sinh không cần đến điểm thi đại học
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho học sinh có nguyện vọng vào học TCCN, góp phần thực hiện chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: Tuyển sinh vào TCCN chỉ thực hiện hình thức xét tuyển (không tổ chức thi tuyển) để tuyển sinh, trên cơ sở căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào đại học cao đẳng cùng năm của thi sinh để xét tuyển (trừ các ngành đào tạo năng khiếu). Có những trường tiêu chí xét tuyển là “học sinh đã tốt nghiệp THPT” vì vậy nhiều học sinh không dự thi đại học, cao đẳng vẫn có thể được tuyển vào học TCCN. Những học sinh dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ là những học sinh đã tốt nghiệp THPT, do đó có một số cơ sở đào tạo TCCN đã gửi giấy báo cho học sinh không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đến trường làm các thủ tục đăng ký xét tuyển vào học TCCN. Như vậy cũng là để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có nguyện vọng vào học TCCN nhưng vẫn đảm bảo quy định. Hơn nữa, nhiều cơ sở đào tạo TCCN cạnh tranh nguồn tuyển sinh gay gắt nên dẫn đến hiện tượng một học sinh nhận được nhiều giấy gọi vào học TCCN như Đại biểu đã chỉ ra.
3. Về thực trạng công tác đào tạo nghề hiện nay
Hiện nay chúng ta đang thiếu cả thầy và thiếu cả thợ do nguồn lực đầu tư ít ỏi, do những hạn chế trong quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực và do một số nguyên nhân từ thị trường lao động…, dẫn đến chất lượng và số lượng nhân lực chưa đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong một số lĩnh vực, thầy cũng chưa ra thầy, thợ cũng chưa ra thợ. Thực ra chúng ta thiếu cả những công nhân, kỹ thuật viên giỏi, đồng thời chúng ta cũng thiếu nhiều kỹ sư, nhà quản trị doanh nghiệp, giảng viên đại học có trình độ tiến sỹ, chuyên gia tư vấn, bác sỹ làm việc ở các vùng miền núi hoặc những vùng khó khăn…(Chỉ tính riêng giáo dục chúng ta đang thiếu hàng chục nghìn giảng viên có trình độ tiến sỹ, hàng chục nghìn giáo viên mầm non có trình độ đại học…). Qua theo dõi tuyển dụng lao động, nhiều doanh nghiệp không khó khăn lắm trong tuyển dụng lao động phổ thông nếu trả lương ở mức độ người lao động chấp nhận, nhưng rất khó khăn tuyển được thợ lành nghề hoặc kỹ thuật viên giỏi. Đây là vấn đề cần được khắc phục sớm.
Trước bất cập về số lượng và chất lượng đội ngũ lao động có nguyên nhân cả ở phía cung (các cơ sở đào tạo) và cả ở phía cầu (các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng..), trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo được sự chỉ đạo của Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học và dạy nghề giảm thiểu những bất cập hiện nay. Thủ tướng đã ký Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/1/2010 phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với số tiền lên đến 25.900 tỷ đồng để mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cân đối cơ cấu trình độ lao động và giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện tình hình lao động như hiện nay.
Riêng về vấn đề dạy nghề, thuộc thẩm quyền và trách nhiệm trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về dạy nghề.
Nội dung chất vấn của ông Trần Văn Thức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:
Theo văn bản “Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác đào tạo” ngày 27 tháng 7 năm 2007. Đến nay hai Bộ thực hiện trong đào tạo nghề với cao đẳng, đại học tới đâu? (Theo mục 5); Trong khi khóa đào tạo cao đẳng nghề của các trường cao đẳng nghề đầu tiên đã và sẽ tốt nghiệp trong những tháng tới trong năm 2010.
Theo cử tri phản ánh: Hiện nay đang vướng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm tiến độ chậm?
Việc đào tạo nghề liên thông cao đẳng nghề với đại học nghề là yêu cầu của xã hội cũng là nguyện vọng thiết thực của công dân.
Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến để đại biểu Quốc hội có cơ sở trả lời cử tri.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:
Thực hiện Bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 2460/QĐ-BGDĐT ngày 23/3/2009 về việc thành lập Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học.
Tổ soạn thảo đã triển khai xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch về Hướng dẫn đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ cao đẳng và đại học. Dự thảo đã được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa, ngày 7/4/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo lấy kiến góp ý cho dự thảo lần thứ 6. Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo của 25 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và đại diện lãnh đạo của một số đơn vị có liên quan thuộc hai Bộ.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Tổ soạn thảo đã bổ sung, hoàn thiện dự thảo Thông tư lần thứ 7. Ngày 6/5/2010, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có cuộc họp nghe Tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Thông tư lần thứ 7. Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo hai Bộ đã có ý kiến chỉ đạo và yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo.
Ngày 4/6/2010, Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đạo và Thứ trưởng thường trực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo tiếp thu, hoàn thiện của Tổ soạn thảo dự thảo Thông tư nói trên. Kết luận tại cuộc họp, lãnh đạo hai Bộ đã giao cho Tổ soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện để đưa lên mạng Internet lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức và cá nhân.
Bộ GD&ĐT