(GD&TĐ)- Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm phát triển giáo dục đối với các dân tộc thiểu số trong cả nước và đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cũng như xây dựng hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT để đào tạo nhân lực tại chỗ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng có đồng bào dân tộc; Do vậy cán bộ, giáo viên các nhà trường phải khắc phục khó khăn trước mắt chú trọng dạy kiến thức đi đôi với dạy làm người cho học sinh.
Trên đây là đề nghị của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khi đến thăm một số trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong khuôn khổ chuyến công tác vừa qua tại địa phương.
Nhiều chính sách ưu đãi giáo dục vùng khó phát huy hiệu quả
Học sinh trường TH & THCS Cao Bồ trong giờ học văn. Ảnh, gdtd.vn |
Đoàn công tác đến Hà Giang trong điều kiện mưa phùn, rét dưới trên dưới 10 độ C. Theo kế hoạch, Thứ trưởng Trần Quang Quý muốn tới thăm một số trường học 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh để thăm nắm điều kiện thực tế dạy và học, động viên chia sẻ những khó khăn của cô và trò vùng khó khăn nhất của đất nước. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tế, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang đã phải đổi địa điểm đến thăm bởi đường đèo lên Cao nguyên đá Đồng Văn trong điều kiện mưa phùn, sương mù, trơn trượt rất nguy hiểm.
Điểm đến đầu tiên là trường Tiểu học và THCS xã Cao Bồ của huyện Vị Xuyên cũng nhiều khó khăn, vất vả. Nằm cách quốc lộ 2 23km, xã Cao Bồ đã có đường ô tô đến tận trung tâm nhưng mặt đường xấu và nhiều đèo dốc.
Hiệu trưởng nhà trường Lê Cao Tâm cho biết, trường có 8 điểm trường nằm rải rác tại các thôn bản trong xã và một trường trung tâm với tổng số 484 học sinh. Gần 100% học sinh tại đây là người dân tộc Dao, còn lại là dân tộc Tày và H’Mông.
Dân cư trong xã phân bố rải rác trên diện rộng nên nhu cầu ở bán trú tại trường của học sinh là rất lớn, chiếm đến 70%. Tuy nhiên khu nhà lưu trú học sinh của nhà trường mới đủ điều kiện tiếp nhận 220 em ở bán trú, số học sinh còn lại phải đi về trong ngày. Vào những ngày trời mưa, rét tỉ lệ học sinh nghỉ học đến trên 10%, ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ chuyên cần của nhà trường.
Số học sinh ở bán trú tại trường thì tỉ lệ chuyên cần cao, có điều kiện cải thiện đời sống vật chất, tinh thần do được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú của Chính phủ và của địa phương. Những năm trước đây khi các chế độ chính sách này chưa được ban hành, việc huy động, duy trì sĩ số của trường gặp rất nhiều khó khăn.
Phó chủ tịch huyện Vị Xuyên Lê Thị Hà đánh giá; các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú đã góp phần quan trọng giúp các trường trong huyện huy động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số và nâng cao tỉ lệ học sinh chuyên cần.
Trường TH & THCS Cao Bồ còn tới 22 phòng học cấp 4 đang xuống cấp. Ảnh, gdtd.vn |
Tại trường Phổ thông DTNT tỉnh Hà Giang thì hiệu quả của các chính sách ưu đãi phát triển giáo dục đối với các dân tộc thiểu số càng được bộc lộ rõ rệt hơn, thông qua các hoạt động giáo dục và kết quả học tập của học sinh.
Hiệu trưởng Triệu Thị Chính cho biết: 17 năm qua kể từ khi thành lập, có 2.174 học sinh đã tốt nghiệp THPT tại trường; trong đó có 1.571 em thi đỗ vào các trường CĐ-ĐH, số học sinh còn lại tiếp tục học theo các chế độ cử tuyển, dự bị ĐH.
Năm học 2011-2012 vừa qua 100% học sinh thi đậu tốt nghiệp THPT và 131/132 học sinh tốt nghiệp đã thi đỗ các trường CĐ-ĐH và dự bị ĐH. Nhiều năm liền chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn của nhà trường chỉ xếp thứ hai, sau trường THPT chuyên của tỉnh Hà Giang.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT Hà Giang Vũ Văn Sử cho biết, toàn tỉnh hiện có 400 sinh viên, học viên đang theo học theo chế độ cử tuyển, dự bị ĐH hoặc đào tạo theo địa chỉ đa phần đều xuất thân từ trường PTDT nội trú tỉnh. Nhiều năm nay, các học sinh tốt nghiệp từ nhà trường tiếp tục học tập, nghiên cứu rồi trở lại địa phương công tác đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.
Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang rất chú trọng đến việc chăm lo phát triển đời sống học sinh bán trú nhằm hỗ trợ các em bớt khó khăn trong sinh hoạt, nâng cao chất lượng dạy và học. Tỉnh đã ban hành chế độ chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, học sinh nghèo không thuộc đối tượng hưởng theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 và Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, người phục vụ học sinh bán trú tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn.
Thứ trưởng Trần Quang Quý (thứ 3 từ trái sang) thăm trường PTDTNT tỉnh. Ảnh, gdtd.vn |
Theo kế hoạch, tháng 4/2013 sẽ thành lập trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Cao Bồ. Tuy nhiên, hiện tại nhà trường còn thiếu rất nhiều điều kiện về cơ sở vật chất như không có bếp nấu, nhà ăn, thiếu nhà ở lưu trú học sinh, chăn màn học sinh đang phải tự túc. Trong số 30 phòng học của nhà trường, có đến 22 phòng học là nhà cấp 4 đang xuống cấp, 1 phòng học tạm, bàn ghế học sinh một nửa là không đúng quy cách và đang hư hỏng nhiều…
Bên cạnh đó, nhà công vụ giáo viên ở đây cũng là vấn đề bức xúc. Nhà trường hiện có 32 giáo viên nhà trường có nhu cầu ở nhà công vụ. Nhưng dãy nhà công vụ của trường chỉ có 8 phòng nên phải ở ghép 4 giáo viên/phòng gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt.
Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 105 trường PTDTBT và 13 trường PTDTNT. Tổng số học sinh bán trú được hưởng các chế độ chính sách từ nguồn ngân sách TƯ là 27.647, từ ngân sách địa phương là 9.922, có 30.413 học sinh nghèo được địa phương hỗ trợ ăn bán trú.
Đời sống, sinh hoạt và học tập của học sinh trong hệ thống các trường chuyên biệt này còn nhiều khó khăn, thách thức. Các trường PTDT nội trú cơ bản đã được đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn một số trường thiếu phòng học bộ môn, phòng thư viện, các phòng chức năng và nhà đa năng, nhà công vụ giáo viên. Do mới thành lập nên nhiều trường PTDT bán trú còn thiếu nhà lưu trú, nhà ăn, nhà vệ sinh cho học sinh bán trú. nhà công vụ giáo viên.
Trong chuyến thăm này, Thứ trưởng Trần Quang Quý đã tặng 2 bộ máy tính và quà bằng tiền mặt cho trường TH&THCS xã Cao Bồ, 1 bộ máy tính và quà bằng tiền mặt cho trường PTDTNT tỉnh Hà Giang với mong muốn chia sẻ những khó khăn trong sinh hoạt, có thêm điều kiện giảng dạy với học sinh và giáo viên hai nhà trường.
Hải An