Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 3 (TP.Hồ Chí Minh)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 3 (TP.Hồ Chí Minh)
 

Ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3. Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều phản ánh của cử tri bày tỏ đồng thuận với những nội dung được kỳ họp Quốc hội thông qua, nêu bức xúc về những bất cập, tồn tại trong đời sống xã hội.

Đánh giá cao những nội dung nghị sự tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, các cử tri Lê Văn Minh, Nguyễn Minh Hoa (phường Tân Định), Lê Đình Cây (phường Nguyễn Thái Bình), Trần Văn Tuấn (phường Bến Nghé), Phạm Đức Phùng (phường Nguyễn Cư Trinh)... cho rằng kỳ họp thứ 6 đã không chỉ thực hiện quyền lập pháp, mà đánh dấu mốc lịch sử về lập hiến.

Thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội đã chế định rõ hơn về bản chất chính trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bổ sung những điểm tiến bộ về quyền và nghĩa vụ công dân theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.

Bày tỏ hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc của các đại biểu, cử tri đánh giá cao Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, cùng các dự án luật và nghị quyết quan trọng khác, trong đó có Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật tiếp công dân...

Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi đã bổ sung những điểm mới về quy mô dự án kinh tế - xã hội thuộc diện thu hồi đất, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan công quyền nhằm hạn chế tình trạng thu hồi đất tùy tiện.

Cử tri cũng tán thành những quyết định của Quốc hội trong việc điều chỉnh những chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, bội chi. Các cử tri nêu rõ những kết quả hoạt động tại Quốc hội là đáng trân trọng, tăng được niềm tin trong nhân dân.

Nhưng bên cạnh đó, Quốc hội cần tăng cường vai trò giám sát đối với những lĩnh vực dễ phát sinh hệ lụy xấu như bội chi, cùng chương trình hành động của các bộ trưởng sau các phiên chất vấn.

Các cử tri cũng đặt câu hỏi về sự thiếu thống nhất ở một số nội dung trong đánh giá kinh tế-xã hội giữa báo cáo của Chính phủ với các cơ quan giám sát, đánh giá của người dân, đồng thời kiến nghị Quốc hội cần xem xét, cho ý kiến.

Cử tri cũng bức xúc trước tình hình tội phạm gia tăng, quá tải bệnh viện, y đức giảm sút, ô nhiễm môi trường, tham nhũng lãng phí xuất hiện tại nhiều địa phương, biểu hiện ở nhiều lĩnh vực. Dẫn chứng về câu chuyện xả lũ thủy điện, an ninh sân bay, tiêm chủng vắcxin được báo chí đề cập, cử tri nhấn mạnh nhiều lần lãnh đạo Trung ương đã nói đến "đột phá," "quyết liệt" nhưng chưa thực sự tạo chuyển biến.

Cử tri đề nghị Quốc hội, kỳ họp tới xem xét bổ sung những chế tài với các loại hình tội phạm lộng hành như rải đinh, trộm chó để nghiêm trị kẻ phạm tội, tránh để người dân vì manh động mà dẫn đến phạm tội.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp băn khoăn của cử tri về hiệu quả của tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước cho rằng việc lắng nghe ý kiến cử tri là đặc biệt quan trọng với đại biểu Quốc hội, vấn đề là cần đổi mới hình thức để không lặp lại một địa điểm, nhằm thu hút được nhiều hơn ý kiến cử tri, giúp đại biểu tiếp thu toàn diện hơn.

Về băn khoăn Hiến pháp sửa đổi hay các đạo luật chưa nhận được 100% tán thành, Chủ tịch nước nhấn mạnh điều đó thể hiện sự dân chủ, tôn trọng ý kiến của các đại biểu. Chủ tịch nước giải thích Dân chủ trong Đảng, trong xã hội đã phát triển, mỗi người đều có cách tiếp cận riêng. Tất nhiên trước khi có quyết định cuối cùng, mỗi người phải cân nhắc rất thận trọng.

Chủ tịch nước cho rằng điều quan trọng là quá trình soạn thảo lấy ý kiến phải có sự lắng nghe thấu đáo, tường tận các tầng lớp xã hội, để dung nạp được tuyệt đại bộ phận ý kiến đúng đắn của nhân dân. Không nên có tình trạng ở trong hội trường phiếu 100% nhưng bước ra ngoài cửa lại có ý kiến khác nhau, rất nguy hiểm.

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc Luật đất đai quy định chưa rõ về giá đất đai khi đền bù, Chủ tịch nước khẳng định việc quy định chi tiết sẽ được Quốc hội giao cho Chính phủ cụ thể hóa khi đi vào cuộc sống.

Về tình hình kinh tế-xã hội có những đánh giá khác nhau, Chủ tịch nước cũng khẳng định dù có nhìn nhận hay đánh giá khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng là ý nguyện của cử tri thông qua đại biểu Quốc hội bằng thảo luận dân chủ, biểu quyết theo đa số để ra Nghị quyết triển khai. Những phản biện sẽ được kiểm chứng và có thể được đưa ra thảo luận tại kỳ họp tiếp theo.

Xung quanh chủ đề chống tham nhũng, chất lượng cán bộ công chức, Chủ tịch nước cho rằng Trung ương đã có nghị quyết chuyên đề. Ý kiến của bà con bức xúc, nói thẳng tại buổi tiếp xúc cử tri cho thấy những vấn đề chưa làm được còn nhiều, cần nghiêm túc nhìn nhận để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn.

Với tinh thần cầu thị, Chủ tịch nước mong rằng mỗi cử tri cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Đảng và Nhà nước luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Với trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định sẽ cùng với các đại biểu khác nỗ lực hết sức để không phụ lòng tin của cử tri.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ