Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta tự tin vào nội lực, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta tự tin vào nội lực, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc

- Thưa Chủ tịch, năm 2009 là một năm sôi động đối với đất nước, Chủ tịch nước đánh giá thế nào về những thành tựu của đất nước trong năm qua?

- Năm 2009 đối với đất nước là một năm có nhiều nét đặc biệt. Khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới có tác động mạnh mẽ tới tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ - và Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy đó. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã từng bước khắc phục khó khăn, đạt tăng trưởng GDP trên 5%. Phải khẳng định, đây là một thắng lợi quan trọng, góp phần tạo cho chúng ta thêm niềm tin, phấn khởi để bước vào năm 2010 - là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI-  cũng là năm chúng ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn: 65 năm ngày thành lập nước, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Đối với chúng ta, mặc dù 2009 là năm có nhiều khó khăn, trở ngại, thách thức lớn, nhưng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đoàn kết, đồng lòng hợp sức vượt qua. Qua những trở ngại, thách thức, chúng ta có thêm kinh nghiệm, quan trọng hơn là chúng ta thêm tự tin. Trên bước đường phát triển, chắc chắn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta tin vào khả năng của mình, để vượt lên. Chúng ta tự tin vào nội lực, tự tin vào sự hợp tác với bạn bè quốc tế, tự tin vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng ý nghĩa của thắng lợi này không chỉ là về con số, mà quan trọng hơn là về tư tưởng, ý chí, từ đó giúp cho chúng ta thêm kinh nghiệm, ý chí giành thắng lợi trong năm 2010.

- Theo Chủ tịch, nhân tố nào giúp Việt Nam đạt được thành tựu tăng trưởng GDP kể trên?

- Có nhiều nhân tố mang lại thành công cho đất nước, nhưng tôi muốn nhấn mạnh ở đây những nhân tố đặc biệt: Thứ nhất, đó là sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trước những khó khăn, tinh thần đoàn kết giúp chúng ta có thêm quyết tâm vượt qua. Thứ hai, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với lòng dân, phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của đất nước. Thứ ba, đất nước ta có tỷ trọng nông nghiệp cao trong cơ cấu kinh tế, chúng ta ổn định được kinh tế nông nghiệp, nhờ đó cuộc sống của người dân được bảo đảm. Đồng thời, trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn, chúng ta lại có thị trường nội địa rộng lớn... Những điều kiện đó đã hỗ trợ chúng ta phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta còn có sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, vì vậy đất nước đã vượt qua được khó khăn. Đây là những kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: Chúng ta tự tin vào nội lực, vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc ảnh 1

 - Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, một số ý kiến nhắc tới sự phân tâm trong xã hội. Đây có phải là điều đáng lo ngại, và quan điểm của Chủ tịch nước đối với vấn đề này như thế nào?

 - Trong xã hội, bao giờ cũng có những ý kiến khác nhau, đó là điều hết sức bình thường, nhưng dù sao trước những hiện tượng đó, chúng ta cũng cần phải hết sức quan tâm. Có những ý kiến cần phải được thảo luận, trao đổi, và thậm chí là tranh luận. Càng gần đến Đại hội Đảng các cấp, càng có nhiều vấn đề của Đảng, Nhà nước được đưa ra lấy ý kiến của dân. Đối với những ý kiến cố tình xuyên tạc, kích động gây rối thì chúng ta phải đấu tranh thẳng thắn. Tôi đặc biệt tin vào sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng, trong nhân dân.

 - Năm 2010, đất nước ta có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là đại hội Đảng các cấp. Đảng và Nhà nước đặt kỳ vọng gì vào năm 2010?

- Đảng và Nhà nước ta đã có các chương trình, kế hoạch nhằm nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã đề ra với kết quả cao nhất, trong đó tập trung vào một số vấn đề. Thứ nhất, phải củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất trong bất cứ thời kỳ cách mạng nào. Thứ hai, mọi ngành, mọi người đều phải nỗ lực, bám sát chức năng, nhiệm vụ để hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao nhất. Thứ ba, phải tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, đó là khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển. Tập trung vào Đại hội Đảng các cấp. Nhân những ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, phải tập trung khơi dậy khí thế, niềm tự hào dân tộc để vượt qua mọi trở ngại.

Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu cho năm 2010 cao hơn năm 2009. Điều này nói lên rằng, trong năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn, GDP của nước ta vẫn tăng trên 5%, trong khi nhiều nước tăng trưởng âm. Năm 2010 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn, nghĩa là chúng ta đã từng bước khắc phục được khủng hoảng. Chỉ tiêu đề ra là nhằm tạo đà tăng trưởng cho những năm sau, để trở lại nhịp độ tăng trưởng của những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới. Chúng ta quyết tâm tăng trưởng kinh tế nhanh, tăng trưởng bền vững. Tăng trưởng nhanh để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, bởi mấy chục năm chiến tranh đã kéo lùi sự phát triển của đất nước. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững - đó là tư tưởng cần phải quán triệt.

Năm 2010 gắn với nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước. Chúng ta luôn luôn nỗ lực, nhưng năm 2010 cần phải nỗ lực hơn nữa. Mặc dù sẽ có những khó khăn, thách thức mới, nhưng chúng ta có cơ sở để tin rằng với những gì đã đạt được trong năm 2009, cộng với ý chí và kinh nghiệm, chúng ta sẽ vượt qua, hoàn thành tốt những mục tiêu đề ra, giành thắng lợi trong năm 2010.

 - Thưa Chủ tịch, năm 2009 đất nước có nhiều hoạt động đối ngoại mạnh mẽ. Chủ tịch nước đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam trên thế giới hiện nay?

- Trong tất cả những thắng lợi của đất nước, tôi cho rằng thắng lợi về vai trò, vị trí và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế là một thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng. Trong các chuyến thăm nước ngoài, tôi nhận thấy rất rõ sự ủng hộ, tin cậy của bạn bè thế giới dành cho Việt Nam. Tại cuộc họp của lãnh đạo các nước Ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ, tiếng nói của Việt Nam rất mạnh mẽ, bởi đất nước ta đã trải qua nhiều năm chiến tranh, chúng ta đến để bàn về không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân, lên án chiến tranh, mong muốn thế giới hòa bình để xây dựng đất nước… bởi vậy tiếng nói của chúng ta được dư luận thế giới đồng tình, hoan nghênh và ủng hộ.

Trong các chuyến thăm cấp nhà nước, bạn bè đều đánh giá cao vai trò, vị trí của Việt Nam, không chỉ trong công cuộc kháng chiến cứu nước, mà cả trong xây dựng đất nước hôm nay, khi chúng ta đảm bảo tăng trưởng, đảm bảo đoàn kết và đang đi đúng hướng. Chúng ta tự hào là người Việt Nam, tự hào về Đảng ta, về nhân dân ta, càng quyết tâm xây dựng đất nước tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 - Các nước ấn tượng nhất về Việt Nam ở khía cạnh gì, họ quan niệm thế nào về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam?

 - Trong ấn tượng của bạn bè quốc tế, trước đây Việt Nam là một đất nước kiên cường, dũng cảm, nêu tấm gương sáng, bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay bạn bè ấn tượng với Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, về tinh thần đoàn kết, hữu nghị với các nước, các dân tộc.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha giữa tháng 12 vừa qua, tại cuộc gặp với các đại diện của Thượng viện và Hạ viện Tây Ban Nha, một lần nữa tôi khẳng định: Việt Nam đang đi lên chủ nghĩa xã hội, và giải thích cho họ hiểu rõ hơn thế nào là xã hội chủ nghĩa, khẳng định đó là một xã hội tốt đẹp, không còn người bóc lột người, mọi người đều bình đẳng, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; là một xã hội mà người dân trên thế giới đều muốn hướng đến. Mặc dù con đường đi đến đó còn khúc khuỷu, quanh co, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta nhất định thắng lợi.

 - Ấn tượng sâu sắc nhất của Chủ tịch nước trong các hoạt động đối ngoại năm 2009 vừa qua?

- Năm 2009, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nói chung, trong đó có tôi, có tham dự nhiều hoạt động quốc tế, các chuyến thăm song phương. Ấn tượng chung là lãnh đạo cũng như nhân dân các nước đều đánh giá cao vai trò, vị trí và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ hoan nghênh sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua. Họ cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đi đến đâu cũng gặp sự tiếp đón trọng thị, nhiệt tình, nồng hậu; những vấn đề mà chúng ta đưa ra bàn bạc hầu hết đều đạt được sự nhất trí cao. Đây là điều rất thuận lợi để chúng ta tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước.

 - Xin Chủ tịch cho biết động lực và nguồn lực cho sự phát triển của Việt Nam?

 - Chúng ta đã có rất nhiều năm chiến đấu để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Sau cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, chúng ta tiến hành xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Động lực của chúng ta là gì? Phải khẳng định đó là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, là chủ nghĩa xã hội. Chúng ta luôn tin tưởng chủ nghĩa xã hội là một xã hội tốt đẹp, không chỉ Việt Nam, mà tất cả loài người đều hướng tới.

Còn về nguồn lực, tôi cho rằng nguồn lực vô hạn mà chúng ta có được chính là sức mạnh, là trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của chúng ta.

- Lãnh đạo nhiều nước đánh giá Việt Nam là hình mẫu thoát khỏi khủng hoảng. Cách nhìn của Chủ tịch nước như thế nào?

 - Tôi muốn lưu ý về từ “hình mẫu”. Chúng ta khiêm tốn nhìn nhận rằng việc khắc phục khủng hoảng kinh tế tài chính vừa qua của nước ta có kết quả. Phải khẳng định những thành công của đất nước trong việc khắc phục khủng hoảng bắt đầu trước hết từ sự đoàn kết, huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong khủng hoảng chung, chúng ta đã đề ra được những nhiệm vụ, công việc phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của đất nước để từng bước vượt qua khó khăn. Chúng ta cũng có điều kiện thuận lợi, ví dụ tỷ trọng nông nghiệp lớn, nền nông nghiệp của chúng ta vững vàng, lương thực xuất khẩu 6 triệu tấn/ năm; nuôi trồng thủy hải sản đạt sản lượng cao... Nhờ đó người dân ổn định cuộc sống. Thuận lợi là chúng ta đã nắm bắt được thế mạnh này để phát huy.

- Xin Chủ tịch cho biết quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ mới?

 - Giai cấp công nhân Việt Nam trong mọi thời kỳ đều có vai trò hết sức quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, xây dựng Đảng phải gắn liền với xây dựng giai cấp công nhân. Sự trưởng thành của Đảng cũng gắn liền với sự trưởng thành của giai cấp công nhân.

Giai cấp công nhân thời xưa khác hơn thời nay. Thời xưa,bị áp bức, bóc lột, giai cấp công nhân đã phải vùng lên đấu tranh - theo C.Mác nói, là không có gì để mất, chỉ có mất xiềng gông. Ngày nay giai cấp công nhân đã làm chủ đất nước, tuy còn nghèo nhưng được làm chủ, góp sức cùng nhau đưa đất nước tiến lên. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước cũng phải góp sức để xây dựng giai cấp công nhân, trước hết là nâng cao trình độ, năng lực của giai cấp công nhân về chuyên môn. Công nhân làm nghề gì, ngành nào thì tay nghề phải nâng lên, trình độ phải nâng lên về nghề đó. Thứ hai là phải nâng cao bản lĩnh chính trị , ý thức chính trị của giai cấp công nhân để họ nhận thấy mình có một sứ mệnh quan trọng. Thứ ba, là phải củng cố, tăng cường tổ chức công nhân ngày càng vững mạnh, bởi giai cấp công nhân có phát huy được thì phải qua tổ chức của mình. Đảng, Nhà nước sẽ làm hết sức mình để xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh.

- Năm 2009 là năm đất nước đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng. Xin Chủ tịch nước đánh giá về những kết quả này?

 - Cuộc cải cách hành chính và chống tham nhũng đã được toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp quan tâm. Chúng ta cũng đã làm được nhiều việc, nhưng không thể một sớm một chiều làm tốt mọi việc. Trong hành chính tuy có những bước cải cách nhưng cũng cần từng bước để chúng ta hoàn thiện. Đất nước chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh, chưa nhiều kinh nghiệm về hành chính. Hơn nữa, nền hành chính của chúng ta phải gắn với sự lãnh đạo của Đảng, và đi lên chủ nghĩa xã hội, nên cũng có những điểm khác với nền hành chính của các nước. Chúng ta học hỏi các nước cũng phải có chọn lọc.

Nhân dân Việt Nam anh hùng, sẵn sàng xả thân vì cách mạng, vì đất nước, máu xương cũng không tiếc. Vậy phải đặt câu hỏi tại sao tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra? Đó là do quản lý hành chính của chúng ta còn yếu, còn nhiều sơ hở. Vì vậy chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, vừa vận động, tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, nhưng cái chính là luật pháp, nền hành chính phải đồng bộ, từ đó dần dần mới loại trừ được tham nhũng.

 - Chủ tịch nước đánh giá thế nào về công tác tư tưởng, lý luận trong thời kỳ mới?

- Tư tưởng, chính trị là mặt trận hết sức quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn. Phải khẳng định, tư tưởng, chính trị đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của đất nước, quyết định cho sự ổn định, cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Tôi hoan nghênh những nỗ lực của các cơ quan trong khối tư tưởng, thông tin, truyền thông trong năm qua đã có những nỗ lực - đặc biệt hoan nghênh các cấp ủy Đảng đã thường xuyên quan tâm tới công tác chính trị, tư tưởng. Sự quan tâm đó trong thời gian vừa qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa quyết định, tạo sự nhất trí với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mà chỉ có trên cơ sở nhất trí này, mới tạo được sự đồng lòng, đoàn kết, hiệp lực của toàn dân. Đây là nguồn lực quyết định sự thành bại của công cuộc Đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, thời gian qua mặt trận chính trị, tư tưởng cũng bộc lộ một số yếu kém, khi một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, suy thoái về phẩm chất đạo đức. Chúng ta đã nói nhiều về chống tiêu cực, tham nhũng, nói nhiều về suy thoái đạo đức, phẩm chất, mà ít nói về suy thoái tư tưởng. Cần phải khẳng định suy thoái tư tưởng là vấn đề nghiêm trọng, và vấn đề này đặt ra cho các cán bộ làm công tác tư tưởng một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng hết sức khó khăn trong thời kỳ mới. Tôi tin rằng các đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.

- Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước, chúc Chủ tịch một mùa xuân mới tràn đầy hạnh phúc và thành công!

(Theo cvp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ