(GD&TĐ)-Sáng nay (16/7), tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 Luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Giáo dục Đại học.
>>>Toàn văn Luật Giáo dục Đại học
Luật Giáo dục ĐH được thông qua là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục ĐH, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn. (ảnh mang tính minh họa) |
Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Luật giáo dục đại học quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo.
Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.
Về vấn đề phân tầng đại học, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học, hệ thống các trường đại học sẽ được phân tầng thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời tạo điều kiện đào tạo đội ngũ nhân lực hài hòa theo nhu cầu của xã hội.
Luật Giáo dục đại học có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, Luật Giáo dục đại học quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng. Theo Luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.
Luật giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ khắc phục nhiều vấn đề cơ bản, cấp bách và tác động tích cực để đổi mới hệ thống giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển đất nước. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.
5 Luật còn lại được được công bố lần này gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật công đoàn (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và Bộ luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.
PV