Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu

Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bắt đầu nghỉ hưu từ ngày 1/9 sau 35 năm công tác tại đây

Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà chính thức nghỉ hưu

Ngày 1/9, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có công văn số 2651/BIDV-TKHĐQT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố thông tin nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT).

Cụ thể, kể từ ngày 1/9, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT BIDV nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thay vào đó, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT BIDV được HĐQT bầu phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT và thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV kể từ ngày 1/9.

Trước đó, hồi giữa tháng Tám, trả lời báo chí về việc sẽ chính thức rời nhiệm sở từ ngày 1/9 ông Trần Bắc Hà đã bình thản nói rằng: ""Đến tuổi thì tôi nghỉ hưu thôi chứ có gì đâu"".

Ông Trần Bắc Hà làm việc tại BIDV từ năm 1981 với khởi điểm là chi nhánh Bình Định. Sau đó ông lần lượt kinh qua các vị trí Giám đốc của các chi nhánh, các công ty con của BIDV.

Từ năm 1999, ông Hà làm Phó Tổng giám đốc BIDV và đến năm 2003 làm Tổng giám đốc. Sau 5 năm ở cương vị CEO, ông Hà lên giữ ghế chủ tịch từ 2008 và tiếp tục ở vị trí này cho đến nay.

Ông Hà còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Dưới thời ông Hà làm sếp ở BIDV, ngân hàng đã không ngừng lớn mạnh. Từ một ngân hàng với nguồn vốn chưa đến 13.500 tỷ đồngvào năm 2008 thì nay đã đạt hơn 34.000 tỷ.

Tổng tài sản của ngân hàng từ dưới 250 nghìn tỷ đồng trong cùng thời gian đã tăng lên trên 930 nghìn tỷ, chiếm xấp xỉ 13% tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Lợi nhuận ngân hàng từ quanh mức 2.000 - 3.000 tỷ đồng giờ đây đạt 6.000 - 8.000 tỷ/năm.

Không chỉ có độ phủ dày đặc khắp cả nước, thương hiệu ngân hàng BIDV còn được hiện diện ở các nước như Lào, Campuchia, Myanmar. Ngân hàng cũng đã cổ phần hóa và đang giao dịch trên sàn chứng khoán với mã BID.

Với thị trường tài chính Việt nói chung, ông Trần Bắc Hà là cái tên nổi bật nhất trong số các đại gia và ông chủ. Mỗi sự kiện có sự hiện diện của ông đều thu hút được sự chú ý. Những phát biểu của ông Hà cũng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chẳng hạn như cách đây 3 năm, hồi tháng 2/2013 có thông tin sai lệch rằng ông bị bắt giữ. Sự việc này đã khiến thị trường tài chính bị một phiên xáo động với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và giảm sàn khiến chỉ số VnIndex giảm 18 điểm, còn vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 30.000 tỷ, tỷ giá cũng biến động mạnh.

Ông Trần Bắc Hà được biết đến bởi những phát ngôn gây chú ý đối với dư luận. Ông từng phát biểu rằng, lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất "khó sống" với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng/tháng. ""Nhưng không sống được cũng phải cố sống bởi dẫu sao cũng cao hơn lương của công chức Nhà nước"".

Hay trước số nợ lên đến 10.700 tỷ đồng của Bầu Đức (Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) – Đối tác khách hàng có dư nợ lớn của BIDV) - ông Trần Bắc Hà từng phát biểu hết sức thiện chí:

""HAGL quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả sòng phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ"".

Người kế nhiệm ông - ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1958, nguyên quán Quảng Ngãi, nơi sinh Yên Bái, là Thạc sỹ kinh doanh.

Ông Tuấn làm việc tại BIDV từ năm 1981. Từ năm 1989 - 1998, ông là Giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai – Kon Tum, Giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai. Từ năm 1998 - 2007 là Phó Tổng Giám đốc, Ủy viên HĐQT BIDV và từ năm 2008 đến 2012, ông đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc BIDV. Từ năm 2012 đến hết ngày 1/9 ông đảm nhận vị trí Ủy viên HĐQT BIDV.

Theo Đất Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.