Tại buổi thị sát, đoàn kiểm tra phát hiện một số bất cập đã lập tức yêu cầu các đơn vị thi công, tư vấn giám sát xem xét, xử lý ngay.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu đơn vị thi công triển khai thêm các xe tự hành chuyên dụng, không để cành cây rơi ra đường, thi công chủ yếu vào đêm để tránh gây ùn tắc giao thông, đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, phân luồng giao thông hợp lý không để ảnh hướng đến đến người dân; xem xét ký các phương án đánh chuyển, chặt hạ đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí.
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu đơn vị tập trung thi công đảm bảo tiến độ dự án.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc BQL dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông Hà Nội việc thi công đang chậm tiện độ so với yêu cầu của TP. Bởi dự án gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển các công trình ngầm nổi, cây xanh và GPMB liên quan đến 885 hộ dân, trong đó chưa giải phóng mặt bằng gần 500 hộ dân. Dự kiến sẽ cố gắng hoàn thành cơ bản dự án trong quý 1 năm 2018.
Hiện, đơn vị đã cắt tỉa, đánh chuyển được 150 cây.
Việc chặt hạ, di dời cây xanh phục vụ cho thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; đồng thời tạo điều kiện mặt bằng cho Bộ GTVT triển khai dự án đường cao tốc trên cao.
Được biết, đây là công trình trọng điểm của TP Hà Nội được ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020; chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội; với tổng số vốn đầu tư là là 3.113 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu là ngã tư Mai Dịch và điểm cuối là cầu Thăng Long, với chiều dài tuyến đường là 5,5 km.
Theo kế hoạch, trong gần 1.300 cây xanh thuộc diện di dời, chặt hạ có 986 cây xà cừ, 38 cây sấu, 65 cây hoa sữa, 11 cây phượng; Đơn vị thi công sẽ chặt hạ 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và di chuyển khoảng gần 1.000 cây.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự kiến, sau khi thi hoàn thành việc mở rộng đường vành đai 3, Hà Nội sẽ tiến hành trồng thay thế 1.500 cây giáng hương, sẽ được trồng làm 4 tầng: Cây tầm cao, cây tầm trung, cây tầm thấp và lớp thảm.