Chữ "S" nhỏ bé kiên cường

Chữ "S" nhỏ bé kiên cường

(GD&TĐ) - Trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh, hơn ai hết người Việt Nam hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, hiểu sâu hơn cái giá phải trả giá bằng máu xương của hàng triệu con người. Cái giá của độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc là sinh mạng, là máu xương của những người thân yêu của chúng ta. Vì thế chúng ta càng trân trọng và quyết tâm gìn giữ đất nước.

1. Sau Cách mạng tháng tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Nhưng không lâu sau đó, thực dân Pháp quay lại chiếm nước ta một lần nữa. Dân tộc ta lại đứng lên cầm súng bảo vệ nền độc lập non trẻ. Trong cuộc chiến cam go ấy, nhiều chiến sĩ đã hy sinh hoặc bị thương.

Để ghi nhớ công lao của họ, đồng thời trong cố gắng giảm bớt khó khăn cho thương binh, thân nhân của thương binh liệt sĩ, nhiều hình thức để bù đắp những thiệt hại được đưa ra. Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên thành Hội Giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở một số nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc.

Tiếp đó, chỉ sau 10 ngày, ngày 26/2, lập ra Phòng Thương binh thuộc Cục Chính trị  Quân đội nhân dân VN. Đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được thành lập.

Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, (Đại Từ, Thái Nguyên) có một cuộc họp quan trọng gồm nhiều tổ chức, đoàn thể, nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh liệt sĩ, để toàn dân cùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với những người đã xả thân vì nước.

Trong thư của Bác gửi Ban Thường trực tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc lần đầu tiên, 27/7/1947, Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa, của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”.

Trong thư cũng nhấn mạnh “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu... Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Trải qua hai cuộc chiến tranh giải phóng đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam và phía Bắc, bảo vệ vùng trời, vùng biển toàn vẹn lãnh thổ, biết bao người con ưu tú của đất nước đã hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.

Đất nước ta, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau đâu đâu cũng có nghĩa trang liệt sĩ, nơi nào cũng có thương binh. Đạo lý của dân tộc là uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, dân tộc ta vĩnh viễn không bao giờ quên công lao của những liệt sĩ, thương binh, chính họ đã làm nên đất nước.

Hôm nay, đến Nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị), trước hàng vạn nấm mồ liệt sĩ có tên và không tên, nghe như từ sâu thẳm hồn thiêng của các anh trở về nhắn nhủ chúng ta bằng mọi giá phải giữ cho được độc lập Tổ quốc, tự do cho giống nòi, từng tấc đất, từng hòn đảo ngoài mịt mù khơi cho muôn đời con cháu.

Các anh mãi mãi là tuổi hai mươi, các anh hãy yên lòng vì các thế hệ tiếp bước sẽ không bao giờ để sự hy sinh của các anh trở nên vô nghĩa, non nước này mãi mãi trường tồn bằng chính tấm lòng yêu nước dào dạt của từng con dân nước Việt.

Cô và trò Trường Tiểu học Kim Liên viếng thăm Tượng đài liệt sỹ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội)
Cô và trò Trường Tiểu học Kim Liên viếng thăm Tượng đài liệt sỹ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội)
 

2. Trong những cuộc kháng chiến giữ nước và thống nhất đất nước, cùng các liệt sĩ, thương binh trên tuyến đầu là cả dân tộc kết thành một dải tường thành phía sau. Trong đó, chúng ta không bao giờ quên những Bà mẹ anh hùng - những người vì nước mà tiễn chồng, tiễn con ra trận.

Không ít các vị khách nước ngoài khi đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, hoặc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã cảm kích nghiêng mình trước sự hy sinh vô bờ bến của phụ nữ Việt Nam.

“Chúng tôi xin nghiêng mình trước vẻ đẹp, nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Trên thế giới này, chỉ có những bà mẹ Việt Nam mới làm được điều kì diệu như thế”, “Những bà mẹ Việt Nam bé nhỏ, mảnh mai, tưởng chừng yếu đuối nhưng lại chứa trong lòng nỗi đau, nghị lực phi thường, sức sống vô cùng mạnh mẽ”, trong Sổ ghi cảm tưởng của Bảo tàng còn đó những cảm xúc tự đáy lòng của bè bạn.

Suốt chiều dài lịch sử đất nước, các bà mẹ Việt Nam đã nén đau thương hiến dâng tất cả cho sự trường tồn của dân tộc. Truyền thống đó đã chảy trong huyết quản các bà mẹ Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam yêu nước mỗi khi đất nước buộc phải đối mặt  với hiểm họa ngoại xâm đe dọa.

3. Ngày Thương binh, liệt sĩ là dịp để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những liệt sĩ, thương binh, những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những năm qua, phong trào Áo lụa tặng bà được con cháu kính dâng lên các Mẹ. Trong những ngày nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ đều có hoa và hương của thế hệ con cháu tưởng nhớ vong linh người đã khuất. Đảng, Nhà nước, Quân đội đã có nhiều chính sách giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Công lao trời biển của những liệt sĩ, thương binh, những bà mẹ anh hùng có tên và không tên mãi mãi khắc ghi trong lòng các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cho dù chiến tranh đã lùi xa, vết thương trên thịt da và trên thân hình đất nước đã lành lại, nhưng trong ký ức dân tộc vẫn mãi còn đó sự hy sinh cao cả của những con người đem máu xương ra bảo vệ đất nước, bảo vệ giống nòi.

Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, truyền thống đó chính là đạo lý dân tộc. Hôm nay, chúng ta sống trong hòa bình, cùng nhau chung sức đồng lòng dựng xây đất nước giàu đẹp, hùng cường, lại càng không thể quên những gì thế hệ cha anh đã hy sinh để chúng ta có được.

Vì thế, hành động có ý nghĩa nhất của chúng ta để thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các liệt sĩ, thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng chính là đem hết sức lực và tinh thần ra xây dựng đất nước, sẵn sàng đem tất cả tính mạng và tài sản ra bảo vệ non sông đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ trước sự cướp đoạt của bất kì thế lực nào.

Lịch sử thế kỉ XX ghi nhận những cuộc kháng chiến trường kỳ, bất khuất, những chiến công hiển hách của dân tộc. Để làm nên chiến thắng vinh quang ấy, biết bao người đã hy sinh anh dũng, và nhiều hơn thế là những người đã vĩnh viễn mất đi một phần thân thể, những vết thương trên thịt da theo họ cho đến cuối cuộc dời. Họ là những liệt sĩ, thương binh đã đem thân mình ra làm tường thành bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần ấy, công lao ấy, Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ.

Gia Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.