Chủ nghĩa cực đoan "xuyên quốc gia" ở Bangladesh

Mối liên hệ giữa Canada với các phần tử IS ở Dhaka làm nổi bật khả năng hoạt động xuyên quốc gia ngày càng tăng của chủ nghĩa khủng bố ở Bangladesh.

Chủ nghĩa cực đoan "xuyên quốc gia" ở Bangladesh

Hồi giáo cực đoan bạo lực trở thành mối đe dọa ở Bangladesh trong vòng 2 năm qua, tại thời điểm quan trọng khi IS tại Iraq và Syria nhận trách nhiệm về vụ tấn công Dhaka vào tháng 7-2016. Vụ tấn công khủng bố nhằm vào tiệm bánh Holey Artisan ở Dhaka khiến 24 người thiệt mạng do mạng lưới khủng bố địa phương liên kết với IS gây ra.

Mặc dù chưa rõ những kẻ tấn công nhận được hỗ trợ vật chất từ các nhóm khủng bố hay hoạt động độc lập, nhiều bằng chứng mới khẳng định rằng kế hoạch này được IS tư vấn trước khi thực hiện. Reuters cho biết, các nhà chức trách Bangladesh nắm giữ thông tin liên lạc giữa Tamim Chowdhury, kẻ chủ mưu vụ tấn công và Abu Mohammad Terek Tajuddin Kausar, một phần IS sinh ra ở Bangladesh nhưng sống ở Australia. Kausar ra lệnh cho 5 kẻ cực đoan nhắm mục tiêu người nước ngoài không theo đạo Hồi.

Sau sự trỗi dậy của một loạt các vụ tấn công trong năm 2014, 2015, các lãnh đạo chính trị của Bangladesh kịch liệt phủ nhận sự hiện diện của IS tại nước mình. Các cuộc tấn công tàn bạo được cho là do các nhóm khủng bố nhỏ, không phức tạp tại địa phương thực hiện. Tuy nhiên, khả năng phối hợp và gây thương vong cao trong vụ tấn công ở Dhaka cho thấy vai trò của IS liên quan đến các hoạt động khủng bố của nước này.

Chu nghia cuc doan

Vụ tấn công tại tiệm bánh Holey Artisan do các nghi phạm có liên quan đến Canada thực hiện. Ảnh: Getty Image

Liên quan đến Canada

Các phần tử IS hoạt động ở Bangladesh có liên quan đến mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia ở Canada. Theo kết quả điều tra vụ tấn công ở Dhaka, ít nhất 3 nghi phạm khủng bố có quan hệ với Canada. Chowdhury là một công dân Canada lớn lên ở Ontario và từng học tại Đại học Windsor. Chowdhury đến Syria để huấn luyện vào năm 2012, và các quan chức Bangladesh tin rằng y có liên kết với nhóm Hồi giáo cực đoan “Calgary cluster” ở Alberta. Nhóm này được cho là đã gây ra ít nhất hai vụ tấn công khủng bố khiến hơn 70 người chết. Sau khi bị cảnh sát đột kích và tiêu diệt vào tháng 8-2016, IS xuất bản một bài báo mô tả Chowdhury là “Cựu chỉ huy quân sự và các hoạt động của các chiến binh ở Khilafah, Bengal”.

Kẻ khủng bố thứ 2 liên quan đến Canada là Mohammad Zahidul Islam. Y bị lực lượng hoạt động đặc biệt của Bangladesh tiêu diệt trong cuộc đọ súng hồi tháng 9-2016. Islam được cho là chỉ huy quân sự của IS ở Bangladesh, chịu trách nhiệm đào tạo sử dụng vũ khí cho các tân binh. Bộ Quốc phòng Canada mới đây đã mở cuộc điều tra để xác định liệu Islam, một cựu binh trong quân đội Bangladesh, từng được lực lượng vũ trang Canada đào tạo trong một chương trình hợp tác quân sự quốc tế hồi năm 2014 hay không. Kẻ thứ 3 là Tahmid Hasib Khan, một công dân Canada và là sinh viên Đại học Toronto. Ban đầu Khan được cho là một con tin trong tiệm bánh ở Dhaka nhưng y bị bắt sau khi đoạn băng bằng chứng cho thấy y cầm một khẩu súng và hút thuốc cùng các phiến quân.

Cần hợp tác quốc tế

Là quốc gia lớn thứ 8 trên thế giới, Bangladesh xếp thứ 22 trong bảng xếp hạng chỉ số khủng bố toàn cầu năm 2016. Nước này ở nhóm các quốc gia chứng kiến “sự gia tăng đáng kể” các vụ tấn công khủng bố. Bangladesh ghi nhận 459 vụ và 75 người chết do khủng bố trong năm 2015.

Bangladesh đã tung ra chiến dịch đàn áp chống khủng bố trên cả nước. Đầu tháng 10 vừa qua, nước này tuyên bố đã tiêu diệt 42 phiến quân và bắt giữ hàng trăm nghi phạm. Tuy nhiên, chỉ có một số ít trong những kẻ bị bắt, là phiến quân hoặc những kẻ cực đoan. Những kẻ bị bắt đều được cho là những kẻ cực đoan cấp địa phương không có quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế.

Tuy nhiên, mối liên hệ của các nghi phạm trong vụ tấn công tại Dhaka với Canada nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia hiện nay. Xác nhận các nghi phạm có liên quan đến mạng lưới khủng bố IS là điều cần thiết mà qua đó Bangladesh có thể thay đổi phương pháp chống khủng bố, tập trung vào cơ chế chống khủng bố xuyên biên giới.

Theo CAĐN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ