Chú mèo máy vực dậy một nhà xuất bản

Chú mèo máy vực dậy một nhà xuất bản
Trẻ em Việt Nam đang đọc Doraemon
Trẻ em Việt Nam đang đọc Doraemon
 

Hơn 20 năm “sống” tại Việt Nam, chú mèo máy thông minh Doraemon đã nuôi dưỡng giấc mơ đẹp cho các bạn đọc nhỏ tuổi và hơn thế nữa, chú đã làm được một điều thần kỳ trong ngành xuất bản Việt Nam.

Năm 1992, Đôrêmon (nay là Doraemon) chính thức xuất hiện ở Việt Nam thông qua “bà đỡ” là NXB Kim Đồng. Kể từ ngày đó đến nay, những ấn bản của Doraemon chưa một ngày ngưng phát hành và trẻ em trên khắp nước Việt thuộc nhiều thế hệ đã tìm thấy niềm vui, giấc mơ qua bộ truyện tranh này.

Hơn 20 năm trước, khi ngành xuất bản vừa thoát ra thời kỳ bao cấp chưa lâu, NXB Kim Đồng cũng như nhiều NXB khác lâm vào tình trạng khủng hoảng chung. Thời bao cấp, một tác phẩm in hàng chục ngàn bản theo đơn đặt hàng của Nhà nước là chuyện bình thường. Thế nhưng trong cơ chế thị trường, một cuốn sách chỉ in 500 hay 1.000 bản không thể đủ để nuôi một đơn vị xuất bản. NXB Kim Đồng cũng nằm trong hoàn cảnh khó khăn chung của ngành.

Năm 1992, cố Giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Thắng Vu đã đưa Doraemon về Việt Nam. Ông Nguyễn Thắng Vu sau này được vinh danh như là vị cha nuôi của chú mèo máy Doraemon sau vị cha đẻ là họa sĩ Fujiko F Fujio - người vừa được NXB Kim Đồng kỷ niệm 80 năm ngày sinh tại Hà Nội.

Doraemon đến Việt Nam vào năm 1992 theo… đường vòng. Ngày đó, tại một hội chợ sách ở Thái Lan, ông Nguyễn Thắng Vu đã bắt gặp… Doraemon và đưa về NXB Kim Đồng. Chính vì những bản dịch Doraemon theo bản tiếng Thái nên chú mèo máy Doraemon có tên là Đôrêmon và các người bạn có tên Xuka, Xêkô, Nôbita…

Mãi đến thời gian gần đây, chú mèo máy này mới trở về đúng tên “cha sanh mẹ đẻ” của mình. Và Doraemon bộ mới do NXB Kim Đồng ấn hành trong vài năm gần đây cũng đã trở về đúng với nguyên bản ở đất nước “mặt trời mọc”, nghĩa là đọc từ phải sang trái theo cách viết của người Nhật.

Trở lại câu chuyện của hơn 20 năm trước, khi Doraemon xuất hiện, lập tức hoạt động của NXB Kim Đồng khởi sắc hẳn bởi việc phát hành bộ truyện này cho ra con số trong mơ. Nhiều người làm nghề phát hành sách tại TP.HCM cho biết, muốn có được Doraemon để bán trong nhà sách của mình, họ phải xếp hàng đăng ký trước với NXB Kim Đồng. Thậm chí khác với kiểu phát hành sách phải “ký gởi”, muốn có Doraemon để bán, các nhà phát hành phải “tiền tươi thóc thật” với NXB Kim Đồng.

Sự thần kỳ của Doraemon giúp NXB Kim Đồng vượt qua giai đoạn khó khăn và tạo thêm động lực để NXB này “tái đầu tư” mạnh mẽ vào lĩnh vực văn học thiếu nhi do các nhà văn trong nước sáng tác. Những bộ truyện như Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh được NXB Kim Đồng đầu tư bằng cách ông Nguyễn Thắng Vu “ứng nhuận bút” trước để nhà văn yên tâm sáng tác.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh cũng được ông Nguyễn Thắng Vu ứng nhuận bút để sáng tác bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn trong giai đoạn này, cho biết: “Tính ra mỗi tập truyện Ngũ quái Sài Gòn, ông Nguyễn Thắng Vu trả cho tôi khoảng một lượng vàng, thường là ông đưa tiền trước để tôi viết. Đây là điểm rực rỡ nhất không chỉ của NXB Kim Đồng mà của cả những người viết như tôi”.

Nhờ có bộ truyện Doraemon làm “đòn bẩy” ban đầu mà NXB Kim Đồng vượt qua khó khăn, và có kinh phí nhằm đầu tư cho các nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, Bùi Chí Vinh… để họ viết các tác phẩm “made in Vietnam” hiện còn được rất nhiều độc giả tuổi mới lớn tìm đọc.

Về cha đẻ của Doraemon

Tháng 1/1996, họa sĩ Fujiko F. Fujio sang thăm Việt Nam, ông đã ủng hộ số tiền bản quyền xuất bản bộ sách lần đầu tiên ở Việt Nam trị giá 1 tỷ đồng để cùng NXB Kim Đồng lập nên “Quỹ hỗ trợ giáo dục trẻ em Việt Nam mang tên Doraemon”.

Từ năm 1996 đến năm 2013 này, qua 18 lần trao học bổng, Quỹ Doraemon đã trao 8.719 suất học bổng. Từ năm 1996 đến năm 2009, mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng.

Từ năm 2010 đến nay, mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng. Hàng nghìn em học sinh tiểu học trên khắp đất nước Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa đã nhận được tài trợ từ quĩ học bổng này. Với những đóng góp to lớn đó, năm 1996 Fujiko F. Fujio đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa Việt Nam. (Theo NXB Kim Đồng)


Theo Thể thao văn hóa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ