(GD&TĐ) - Sáng 7/11, tại Tp.Đồng Hới (Quảng Bình), Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị Giao ban lần thứ nhất năm học 2012-2013 vùng thi đua 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội nghị. Đến dự có ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Quảng Bình cùng lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT), Sở GD&ĐT vùng thi đua 6 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Bước vào năm học 2012-2013, mặc dù bị ảnh hưởng do mưa lũ xảy ra trên diện rộng nhưng ngành giáo dục và đào tạo 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã kịp thời phòng chống nên đã hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả triển khai thực hiện chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với phòng trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Các địa phương đã tiến hành kiểm điểm, phê bình và tự phê bình nghiêm túc trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và cán bộ trong ngành theo tinh thần NQTW4 (Khoá XI); bám sát tình hình thực tế của từng địa phương, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ đề, nhiệm vụ năm học.
Lãnh đạo các Sở GD&ĐT ký kết giao ước thi đua dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. |
Năm học 2012-2013, tỷ lệ huy động trẻ đến trường tiếp tục đạt kết quả cao; Công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới trường lớp tiếp tục được quan tâm. Các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, góp phần tăng tỷ lệ phòng học kiên cố.
Huy động nguồn lực, lồng ghép chương trình, mục tiêu và các nguồn tài trợ để tăng cường CSVC trường học. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng cao, phòng học tạm và phòng học mượn giảm. Năm học này một số trường THPT tuyển không đủ chỉ tiêu và hầu hết các trung tâm GDTX chưa tuyển đủ học sinh.
Đầu năm học các Sở GDĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các tổ chức xã hội, hội cha mẹ học sinh,…giúp đỡ các em học sinh thuộc đối tượng khó khăn có nguy cơ bỏ học, để các em tiếp tục đến trường.
Phối hợp với Hội Khuyến học, Hội LHPN, Đoàn THCSHCM…thực hiện “3 đủ” nhằm giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn an tâm học tập. Kịp thời thực hiện đầy đủ các chính sách của nhà nước đối với học sinh từ MN đến bậc THPT. Các trường chủ động tổ chức ôn tập hè cho học sinh, phụ đạo học sinh yếu, kém. Vì thế số học sinh bỏ học trong hè giảm nhiều so với năm học trước.
Hầu hết lãnh đạo Sở GD&ĐT đều nêu bất cấp trong việc thực hiện Nghị định số 115 của Chính phủ và Thông tư số 47 của liên Bộ. |
Các tỉnh đã chủ trì cung ứng đủ sách giáo khoa năm học mới cho học sinh. Đã tổ chức tặng hàng ngàn bộ sách giáo khoa cho con thương binh liệt sỹ; hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số; Tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao gần 3000 suất học bổng cho các em học sinh ở vùng khó khăn với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.
Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thông qua các chương trình tài trợ, Quảng Bình đã hỗ trợ gần 2,25 tỷ đồng trao các suất học bổng cho học sinh.
Nghệ An đã cấp 3.613 bộ SGK cho học sinh con liệt sỹ, thương binh với số tiền 458 triệu đồng; chi 2 tỷ đồng ngân sách để mua SGK cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao; cung ứng thiết bị dạy học năm học 2012-2013 với tổng số tiền 103 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, hầu hết lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã kiến nghị, mặc dù hiện nay nhiều tỉnh đã có quyết định về thực hiện Nghị định số 115 của Chính phủ và Thông tư số 47 của liên Bộ, song thực tế một số mặt vẫn còn bất cập và chưa giao quyền chủ động cho các phòng GDĐT trong công tác tổ chức cán bộ. Việc triển khai thực hiện ở các huyện thiếu thống nhất do tùy thuộc vào quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất và đúng quy định theo nội dung NĐ 115 của Chính phủ, nhằm giúp các phòng giáo dục chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Nhiều đại biểu mong muốn rằng, trong thời gian đến sẽ nhận được sự quan tâm trong việc cấp kinh phí chương trình mục tiêu, hỗ trợ, giúp đỡ ở các địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Tăng cường đầu tư xây dựng CSVC trường học, đồng thời tránh tình trạng đầu tư xây dựng nhiều công trình nhưng không phù hợp với yêu cầu giáo dục, gây tốn kém như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, Thanh Hóa cùng nêu ý kiến về việc triển khai đề án ngoại ngữ, Bộ GD&ĐT không nên “giao cứng” cho một số trường đại học ngoại ngữ. Hiện nay, công tác cải chính hộ tịch, hộ khẩu quá dễ nên việc quản lý và xử lý người sử dụng bằng cấp còn nhiều bất cập. Theo đó, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất Bộ GD&ĐT nên rà soát lại chỉ tiêu đào tạo ở các trường sư phạm, đặc biệt không nên đào tạo chứng chỉ sư phạm như hiện nay, gây thừa giáo viên và không đảm bảo chất lượng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi; giải đáp, làm rõ nhiều vấn đề mà các địa phương còn băn khoăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, chỉ đạo thực hiện tại cơ sở.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận sự nỗ lực vượt khó để triển khai chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học của các địa phương. Các Sở GD&ĐT đã tích cực làm công tác tham mưu với chính quyền địa phương ban hành được nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Trong thời gian đến, các địa phương cần quan tâm đến công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp theo lộ trình đến năm 2020. Tăng cường sự quản lý việc dạy thêm, học thêm, thi cử và vấn đề thu chi ở cơ sở trường học. Phát huy sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học. Tích cực chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT vào thực tế hoạt động; đồng thời, nắm bắt những khó khăn vướng mắc từ cơ sở nhằm có biện pháp giải quyết kịp thời.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lưu ý các địa phương cần ưu tiên các nguồn lực thực hiện phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và chế độ chính sách cho đội ngũ giáo viên. Triển khai nhiều giải pháp nhằm tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm, bạo lực và các tệ nạn xã hội trong trường học.
Đại Khải