(GD&TĐ)- Ngày 27/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có chuyến thăm và làm việc với trường ĐH KHXH & NV- ĐHQG Hà Nội. Cùng dự có Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ, đại diện các Cục, Vụ chức năng, Văn phòng Bộ GD-ĐT và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà trường, các nhà khoa học, giảng viên đã và đang công tác tại trường.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, hiện trường ĐHKHXH & NV đang đào tạo ở 15 khoa, 1 bộ môn trực thuộc, 13 Trung tâm nghiên cứu và đào tạo cùng các phòng, ban chức năng phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Công tác tuyển sinh của trường trong những năm gần đây được phát triển ổn định theo hướng duy trì đào tạo ĐH, tăng lưu lượng đào tạo sau ĐH.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn |
Toàn trường hiện có 6.056 sinh viên ĐH, 2.350 học viên sau ĐH, trong đó có 230 nghiên cứu sinh. Hiện trường có 57 chương trình đào tạo sau ĐH trong đó có 26 chương trình đào tạo tiến sĩ. Tính đến nay, nhà trường đã phát triển đội ngũ CBGV lên đến gần 500 người; trong đó có 82 GS, PGS; 151 TS, TSKH. Trong những năm qua, nhà trường đã tập trung vào công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, phát triển đội ngũ giảng viên kế cận có trình độ, công tác nghiên cứu khoa học, viết giáo trình, sách chuyên khảo, thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Tại buổi làm việc, các ý kiến của các CBQL, giảng viên, nhà khoa học tập trung đề nghị Bộ GD-ĐT cần có định hướng lâu dài, có chính sách hộ trợ phát triển các ngành khoa học cơ bản xã hội và nhân văn để phát huy giá trị văn hóa dân tộc; siết lại kỉ cương các kì thi, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học nhất là các ngành Văn, sử, ngữ, triết học của khoa học xã hội…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã ghi nhận: Trường ĐH KHXH & NV là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu cả nước về khoa học xã hội mà uy tín đã được khẳng định trong khu vực và quốc tế; đồng thời mong rằng, trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo, CBGV nhà trường tiếp tục đổi mới, trước hết là đổi mới quản lý để giữ vững và phát huy những thế mạnh, thành tích đã đạt được trong lịch sử truyền thống nhà trường.
Ảnh, gdtd.vn |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: Bộ GD-ĐT đã và đang kiên quyết chuyển đổi mô hình phát triển đào tạo đại học từ số lượng sang chất lượng đào tạo; song song với đó ĐHQG Hà Nội cũng đã phân cấp đầy đủ quyền tự chủ đến nhà trường, do vậy trong thời gian tới, Bộ trưởng mong rằng nhà trường phát huy cao độ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh, hợp tác đào tạo trong hoạt động hàng năm. Về phía Bộ, sau khi đã phân cấp mạnh mẽ quyền hạn cho các trường, cơ sở đào tạo, Bộ sẽ tập trung vào thanh, kiểm tra hoạt động của các nhà trường và sẽ xử lý trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị này nếu có dấu hiệu sai phạm;
Bên cạnh đó là chú trọng đến công tác kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình quan điểm với GS Hà Minh Đức cho rằng thi cử vẫn là yếu tố cốt tử của quá trình học tập và không thể bỏ được; cần siết lại kỉ cương các kì thi để đánh giá khách quan kết quả quá trình học tập và rèn luyện của người học.
Trong hợp tác quốc tế, Bộ trưởng cũng yêu cầu nhà trường chủ động kế hoạch trong phạm vi cho phép và trên cơ sở tự chịu trách nhiệm về những hoạt dộng của mình. Tuy nhiên, trong học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và khu vực, cần chọn lọc những mô hình, bài học kinh nghiệm phù hợp với đặc thù nhà trường và thực tế giáo dục tại Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thăm Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông của trường. Ảnh, gdtd.vn |
Bá Hải