Bài ca… suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta kéo dài từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Theo nhận định của các chuyên gia, dường như vấn đề dinh dưỡng trẻ em không chịu song hành cùng sự phát triển chung.
Thống kê gần đây của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta bị suy dinh dưỡng có giảm trong nhiều năm qua nhưng mức giảm không đáng kể. Năm 2008, cả nước có 19,9% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 32,6% trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Đến năm 2011, tỷ lệ trên còn 16,8% và 27,5%. Năm 2015 còn 24,6% trẻ bị thấp còi và thể nhẹ cân là 14,1%.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn tập trung ở những vùng khó khăn. Lai Châu là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi (36,4%) và nhẹ cân (23%), tiếp đó là Hà Giang, Sơn La, Lào Cai. Theo PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta vẫn ở mức có sức khỏe cộng đồng. Với tỷ lệ suy dinh dưỡng như hiện nay, tính trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu cân và 4 trẻ dưới 5 tuổi có 1 trẻ bị thấp còi.
Suy dinh dưỡng không chỉ làm trẻ chậm lớn về thể chất, trí tuệ, tầm vóc sau này mà tình trạng trên còn liên quan đến tỷ lệ tử vong ở trẻ. Với 1,9 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, 5.000 trẻ tử vong do những nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng. Ngoài ra, do thiếu dinh dưỡng nên trẻ cũng thường xuyên mắc bệnh, thời gian điều trị lâu hơn trẻ khác…
Đi tìm giải pháp
Sau 30 năm đổi mới, sản xuất lương thực thực phẩm ở nước ta đã có bước phát triển nhanh. Việt Nam đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia. Hiện chúng ta đã liên tục xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và dự kiến năm 2016 con số trên ở mức 5,7 triệu tấn. Sống trong nước xuất khẩu gạo nhưng nghịch lý vẫn xảy ra là tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ ở mức cao. Thực tế trên đã tồn tại trong vài thập kỷ qua và hiện đang ở mức lo ngại.
Suy dinh dưỡng được xác định liên quan đến nghèo đói và thiếu kiến thức. Năm 2015, ước tính hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%. Tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu -nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Thống kê cho thấy, mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng nhiều nơi tỷ lệ trên vẫn ở mức 50%, cá biệt có nơi lên tới 60 - 70%. Số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước. Thu nhập bình quân của những hộ này chỉ bằng 1/6 mức bình quân cả nước. Rõ ràng, bữa ăn hàng ngày còn khi đói khi no thì chẳng cha mẹ nào quan tâm đến việc trẻ phát triển thế nào, toàn diện chưa…
Bên cạnh nguyên nhân do nghèo đói, thiếu kiến thức cũng tác động không nhỏ đến tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em. Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về dinh dưỡng. Đây là lý do giải thích tại sao tỷ lệ bà mẹ có thai bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu chất cao. Điều này dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ, chăm sóc con chưa đúng khoa học dẫn đến suy dinh dưỡng…
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ nhỏ là biện pháp tối ưu giải quyết tồn tại hiện nay. Theo PGS Mai, cùng với Chương trình Sữa học đường, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến bữa ăn hàng ngày của trẻ. Dù ăn ở nhà hay ở trường phải đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn đủ lượng và chất. Theo đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông tập trung nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng cho người dân trong việc lựa chọn, chế biến và sử dụng đa dạng nguồn thực phẩm an toàn, sẵn có tại gia đình, địa phương. Tổ chức bữa ăn gia đình đảm bảo đủ dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường hoạt động thể lực phòng chống suy dinh dưỡng, chống thừa cân, béo phì.
- Để giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, ngành Y tế sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp chia sẻ các biện pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật thâm canh, nuôi trồng, chế biến thủy sản để thích ứng với tình hình mới. Hướng dẫn, vận động, khuyến khích người dân chủ động phát triển mô hình vườn - ao - chuồng gia đình gắn liền với ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.