Với nhiều người, sẽ là không quá khó để đăng ký xét trúng tuyển vào trường nào đó, nhưng lại vướng vào sở thích và độ hot của những ngành học này có lớn hay không.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên: Vẫn có thể học ngành nghề theo sở thích, nhưng cần phải chọn trường theo khả năng phù hợp chứ không nên quá sức mình.
Đừng tự làm khó mình
Thiếu định hướng ngành, trường học và cũng không tự lượng sức mình đã mang lại bài học đắt giá đối với Bùi Văn Tuyên (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội).
Tốt nghiệp THPT Chu Văn An theo chương trình tiếng Pháp thuộc loại xuất sắc năm 2013, Tuyên tự tin đăng ký dự thi vào Đại học Ngoại thương. Những tưởng chuyện đỗ đạt không phải quá khó, nhưng kết quả là trượt vỏ chuối.
Nằm nhà chờ thi lại, năm 2014 Tuyên đăng ký dự thi vào Khoa Pháp của Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), lần này thì toại nguyện. Hiện Tuyên đang là sinh viên năm thứ 2 lớp chất lượng cao của Trường.
“Tự tin là tốt, nhưng quá thì không nên, cần lượng sức mình. Tiếng Pháp tôi cũng vững, nhưng Văn và Toán lại không giỏi, đó là lý do tôi không đủ điểm vào Ngoại thương năm trước. Tốt hơn hết là xác định lực học của mình đến đâu để đăng ký xét tuyển vào trường đó”- Tuyên đưa ra lời khuyên đối với các bạn có nguyện vọng theo học đại học năm nay.
Còn Lê Trọng Huy (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) vừa tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin - Học viện Mật mã hệ dân sự.
Huy cho biết: “Ham thích công nghệ thông tin, em đã đăng ký dự thi vào Đại học Bách Khoa, lúc đó bố mẹ không tiếc gì để tìm chỗ ôn luyện tốt nhất cho em. Tự lượng sức mình nếu dự thi vào Đại học Bách khoa là hơi quá, nhưng lại nghĩ là mình cố gắng nhiều như vậy chẳng lẽ lại không đủ điểm.
Cuối cùng điểm thiếu, mất hẳn một năm ở nhà ôn thi lại và nghiên cứu ngành phù hợp. Đến bây giờ, em vẫn tin rằng mình đã quyết định đúng khi đăng ký thi tuyển vào Học viện Mật mã.
Giờ em đã tốt nghiệp và mới được tuyển vào Truyền hình cáp, việc làm có ngay mà lĩnh vực yêu thích là công nghệ thông tin vẫn được bảo đảm”.
Cũng như Tuyên, lời khuyên của Huy đưa ra với các bạn HS có nguyện vọng đăng ký vào các trường ĐH, CĐ năm nay là nên lượng sức mình. “Vẫn có thể theo học ngành mình yêu thích, nếu lực học vừa phải thì nên đăng ký vào những trường top giữa cho chắc”, Huy chia sẻ.
Thực tế là cho dù trước mỗi mùa tuyển sinh, hầu hết các nhà trường cũng như gia đình ít nhiều đều có những tư vấn, hướng nghiệp cho HS, tuy nhiên, hiệu quả lại vẫn chưa được mong đợi bởi ở tuổi này, các em thường thiên về cảm tính nhiều hơn. Không ít những chọn lựa ngành nghề được các em đưa ra theo độ hot của thị trường lao động chứ không được tính toán dựa trên các dữ liệu khoa học.
Bài học về bão hòa nhân lực các ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng mấy năm trước vẫn còn đó. Nói vậy cũng không thể đổ lỗi hết cho người học, mà lỗi ở đầu cũng có phần đóng góp không ít của chính các nhà trường khi đổ xô mở các ngành học này mà không định lượng được nhu cầu thị trường sử dụng.
Chủ động, nhưng phải sáng suốt
TS Hoàng Ngọc Trí - Thành viên hội đồng kiểm định chất lượng GD quốc gia - đưa ra lời khuyên đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ trong năm học này là nên “liệu cơm gắp mắm”.
“Trước khi chọn cho mình một ngành nghề phù hợp, cần xác định được sức học của mình đến đâu. Đặc biệt trong đó cần cân nhắc đến nhu cầu việc làm của từng ngành, chứ không phải chọn trường theo tiêu chí cao - thấp, vì thực ra việc học trong các trường ĐH, CĐ chỉ là yếu tố đầu tiên.
Nếu các bạn không có tâm huyết, say mê học tập và khả năng đến với nghề không lớn thì thất bại vẫn đón đợi, vì thực tế là các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng hiện nay khi tuyển người không chỉ xem anh, chị tốt nghiệp trường nào, có hữu dụng không mà tất cả đều phải qua thi tuyển rất nghiêm ngặt, bằng cấp chỉ là một yếu tố mà thôi” - Tiến sĩ Trí nói.
Cần biết lượng sức mình chứ không nên chạy theo những trường tốp đầu, những ngành nghề được xem là quá hot không phù hợp với năng lực và khả năng thi vào của mình là lời khuyên mà các chuyên gia tuyển sinh đưa ra với thí sinh.
Các bạn cần phải biết rằng, nếu như các bạn lựa chọn ngành, học theo sở thích thì ngược lại các trường cũng lựa chọn người học theo năng lực. Một lực học không thuộc loại giỏi chắc chắn sẽ khó có thể trúng tuyển vào trường tốp đầu, thế nên cần phải tính đến mức độ phù hợp cho từng cá nhân.
Đất nước ta đang trên đà công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì nhu cầu lao động cho các ngành nghề lại càng đa dạng hơn; nhưng vấn đề đặt ra ở đây là năng lực của lao động đó có đáp ứng yêu cầu thực tế không.
Trong một nền kinh tế phát triển và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng thì thị trường lao động phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn, nhưng sẽ hoặc là chuyên môn hóa sâu hoặc là phổ thông chứ không làng nhàng kiểu cử nhân kỹ sư không xin được việc thì xuống làm lao động phổ thông.
Hiện nay hệ thống các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đều đã đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân. Thế nên, biết chủ động lựa chọn cho mình một trường, ngành phù hợp là tốt hơn cả chứ đừng để trường chọn mình thì lúc đó lại xôi hỏng bỏng không!
Vào cuối năm 2014, thông tin từ diễn đàn “Các bên liên quan trong GDĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam” cho biết: Quý III năm 2014 có 174.000 cử nhân thất nghiệp.
Còn một nghiên cứu thực tế về nhu cầu nhân lực của TPHCM đưa ra mới đây cho biết trong 5 năm tới khu vực này tập trung tới 85% nhu cầu vào nguồn nhân lực đã qua đào tạo nghề, trong khi nhu cầu đối với trình độ ĐH chỉ chiếm 13%, trên ĐH là 2%.
Nhưng có một thực tế đang diễn ra là phần lớn HS Việt Nam sau tốt nghiệp THPT đều thích học ĐH hơn là học nghề.