Chống xâm hại phụ nữ trong các trường đại học Mỹ

GD&TĐ - Bộ trưởng Giáo dục Mỹ, Betsy DeVos, khuyến cáo nước Mỹ cần có tư duy mới về hệ thống giáo dục trong buổi nói chuyện với các học sinh tại Trung tâm Woods Learning Center ở thành phố Casper. Một nhóm chống đối khoảng 30 người biểu tình bên ngoài trung tâm để phản bác việc bà từng tuyên bố ủng hộ việc dùng súng tự vệ trong trường để... giết gấu đột nhập! Ở một lĩnh vực khác, bà Betsy DeVos muốn có thay đổi trong cách điều tra các nghi can xâm hại tình dục trong khuôn viên trường đại học trên cơ sở… tôn trọng quyền của chúng. 

Một lớp học ở Mỹ
Một lớp học ở Mỹ

Kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục Mỹ

Casper thuộc bang Wyoming là một điểm dừng trong vòng tham quan 6 bang (Wyoming, Nebraska, Missouri, Indiana, Kansas và Colorado) mang tên “Rethink School” của tân Bộ trưởng.

Tại đây, bà DeVos ngợi khen chính sách cho phép chọn trường của học khu Natrona và kêu gọi các nhà giáo dục trên toàn nước Mỹ “hãy mạnh dạn thay đổi mô hình giảng dạy đã quá lỗi thời”. “Đây là lúc chúng ta cần có tư duy khác nhân dịp bắt đầu năm học mới. Hãy biến trường học thành nơi học sinh háo hức đến và ở lại, chứ không phải mong cho mau hết giờ để về nhà!” - bà nói.

Bà Betsy DeVos, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ

DeVos chọn học khu Natrona và Woods Learning Center để ghé thăm vì bà ấn tượng trước những sáng kiến mạnh dạn đang được tiến hành ở đây.

Tại Natrona, học sinh có thể chọn vào học bất cứ trường nào trong học khu. “Quyền chọn trường đã cho phép cha mẹ tìm đến những ngôi trường họ xem là phù hợp nhất với con cái họ. Chỉ có cha mẹ mới hiểu rõ con cái họ cần gì, từ việc đi lại đến học tập” - bà nói.

Woods Learning Center có một chương trình độc đáo áp dụng từ 26 năm nay: Cho phép học sinh nhiều bậc học khác nhau học chung trong một phòng. Điều hành trường là một nhóm giáo viên thay vì hiệu trưởng. Các học sinh có quyền góp ý về những gì chúng được dạy.

“Chúng ta phải suy nghĩ về hệ thống đào tạo trên tinh thần dựa vào yêu cầu thực tế của cuộc sống đương đại và những gì nó sẽ mang lại cho học sinh. Chúng ta cần mạnh dạn khai tử những khuôn mẫu giáo dục lạc hậu không bắt kịp với thời đại” - DeVos nói với các phóng viên.

Còn nhớ, trong cuộc điều trần để được Quốc hội thông qua chiếc ghế Bộ trưởng, bà DeVos nhắc lại những vụ gấu tấn công trường học tại Wyoming và đề nghị một số trường nguy cơ cao có thể được phép dùng súng tự vệ.

DeVos bộc bạch: “Trên khắp nước Mỹ, nhiều nhà giáo dục vẫn kiên trì với phương pháp giảng dạy cũ, kiểu học sinh ngồi trên những hàng ghế dài, còn giáo viên đứng trên bục giảng. Hệ thống giáo dục có từ thời vua Phổ (Prussia) này là của những người muốn bảo vệ nguyên trạng trật tự cũ, chứ không phải của sinh viên” - bà nói.

Cũng có người chống lại ý tưởng của DeVos lúc bà chưa nhậm chức: Rót kinh phí mở rộng hệ thống trường tư tại những cộng đồng ít học sinh như vùng nông thôn.

Một người dân tuyên bố: “Tiền thuế của dân Mỹ nên dành cho hệ thống giáo dục công lập hơn là hệ thống tư thục”. Tuy nhiên, DeVos không nói rõ là cải cách và đổi mới tư duy nên đi theo hướng nào.

Một phụ huynh phản bác quyết định mới đây của DeVos: Xem xét lại cung cách điều tra những vụ tấn công tình dục trong khuôn viên làng đại học, mà theo bà không cho bị cáo cơ hội biện hộ. “Rõ ràng, bà ta muốn tạo cơ hội cho những kẻ bị tố cáo bằng lập luận: quyền của họ cũng phải được tôn trọng! Hãy để cho cảnh sát lo việc này” - bà nói.

Mâu thuẫn trong chống xâm hại tình dục ở các trường đại học

Cách các trường đại học hành xử với những vụ tấn công tình dục trong khuôn viên trường và ký túc xá có thể sẽ thay đổi lớn trong thời gian tới. Bà DeVos cho biết, đã lên kế hoạch đại tu bản hướng dẫn của chính quyền Obama liên quan đến quấy rối và tấn công tình dục trong khuôn viên trường.

Bản hướng dẫn có tên Title IX nhấn mạnh “khẩu hiệu”: Cấm phân biệt nam nữ. Tuyên bố của bà được sự ủng hộ của những tổ chức chống phụ nữ, những chính trị gia bảo thủ và những người quan tâm đến quyền của kẻ bị nghi xâm hại.

Ngược lại, các nhà bảo vệ quyền phụ nữ và chống cưỡng hiếp bày tỏ sự không đồng tình. Họ xem bản hướng dẫn của chính quyền cũ là hợp lý nhất để bảo vệ các nạn nhân và đưa tội phạm ra tòa.

“Làm sao chúng ta bảo vệ được nữ sinh trong khuôn viên trường, nếu quá quan tâm đến quyền của những kẻ xâm hại. Đừng lạm dụng sự công bằng và công lý để giảm nhẹ tội trạng của chúng - một nhà hoạt động nói - Theo tôi, ý tưởng đại tu Title IX của bà DeVos là bước thụt lùi nghiêm trọng”.

Cuộc tranh cãi về cách xử lý với các tội phạm tấn công nữ sinh viên trong khuôn viên trường đã diễn ra hàng chục năm nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Có người xem đây là tội phạm hình sự và muốn trường đứng ngoài lề để cho cảnh sát làm việc. Nhưng cũng có người muốn ban giám hiệu trường tham gia vào cuộc điều tra để tìm ra cách tốt nhất bảo vệ sinh viên, không cho tái diễn những trường hợp tương tự.

Cũng có người phê phán là các hình thức kỷ luật của trường quá nhẹ tay, thường qui tấn công tình dục vào loại quấy rối để không ảnh hưởng đến uy tín của trường mình.

Nhiều trường đối phó với các hành vi xem thường phụ nữ, quấy rối và xâm hại tình dục một cách khá lúng túng, nhất là khi chứng cứ không rõ ràng. Chứng cứ lưu lại trên máy tính và smartphone giúp xử lý dễ hơn nhưng bọn tội phạm tấn công nữ giới ngày càng ranh ma nên ít lưu lại vết tích.

Một số nữ sinh cho biết, khi họ báo về việc bị xâm hại với ban giám hiệu, họ được đề nghị là…không nên đến những nơi như thế nữa để chờ kẻ tấn công tốt nghiệp xong mới quay trở lại!

Trước thực trạng này, năm 2011, người phụ trách quyền công dân của chính phủ Obama đã phải gửi thư cho các đại học yêu cầu thực thi đúng bản hướng dẫn Title IX, kể cả đề nghị các trường nên thuê một chuyên viên rành về Title IX giúp giải quyết những vụ tấn công tình dục.

Một cuộc thăm dò cho thấy, nhiều trường đại học muốn tiếp tục sử dụng bản hướng dẫn của chính phủ Obama, thay vì theo hướng dẫn mới của chính phủ Trump. DeVos đã tham khảo một số chuyên viên trước khi có suy nghĩ khác.

Người phụ trách văn phòng quyền công dân của Bộ Giáo dục nói: “Trong đa số vụ tấn công tình dục, cả nạn nhân và thủ phạm đều bị đổ là do quá chén, dẫn đến những hành vi tồi tệ như ngủ chung giường. Kết quả là… huề cả làng!”.

Thống kê cũng cho thấy, nhiều nạn nhân bị tấn công tình dục trong khuôn viên trường đã nhìn thế giới bằng con mắt đen tối hơn, thậm chí họ mang những tình cảm tiêu cực về nhà và trút lên đầu người thân. Nỗi ám ảnh bị tấn công dẫn đến các hậu quả khó lường. 

Theo The Atlantic Unbound

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.