(GD&TĐ) - Tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, có rất nhiều người phát âm lệch chuẩn phụ âm l/n. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc phát âm lệch chuẩn này chủ yếu là do ảnh hưởng của môi trường giao tiếp và có thể khắc phục được do ý thức rèn luyện của mỗi người. Ngành GD-ĐT nhiều địa phương đang có nhiều biện pháp khắc phục nói ngọng của cán bộ, giáo viên, học sinh.
Cần rèn luyện việc phát âm chuẩn và viết chuẩn cho học sinh. Ảnh minh họa |
Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hải Dương đã phát động phong trào chống nói ngọng trong trường học. Có nhiều giải pháp được triển khai, gồm: đưa nội dung khắc phục lỗi phát âm cho giáo viên và học sinh vào trong hoạt động bồi dưỡng theo chu kỳ hàng năm của giáo viên, tổ chức các cuộc hội thảo về phương pháp rèn luyện phát âm chuẩn trong các trường; thi đọc hay, viết đẹp đối với học sinh và giáo viên bậc tiểu học...
Để khắc phục tật nói ngọng, nhiều trường trong địa bàn Hải Dương đã tập trung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực này cho giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học. Việc bồi dưỡng, hướng dẫn sửa lỗi phát âm, chi tiết đến từng kỹ thuật đặt lưỡi, bật hơi. Hầu hết giáo viên có ý thức trong việc rèn luyện phát âm đều khắc phục được hạn chế nói ngọng.
Nhiều trường đã quán triệt toàn bộ cán bộ, giáo viên phải gương mẫu phát âm chuẩn mọi lúc, mọi nơi, đưa nội dung rèn phát âm chuẩn vào các chương trình sinh hoạt tập thể, lồng ghép với hoạt động thường xuyên của các tổ chuyên môn, vào đánh giá thi đua của giáo viên và nội dung tính điểm các tiết hội giảng, hội thi.
Hải Phòng cũng là địa phương có nhiều giáo viên và học sinh mắc tật nói ngọng. Việc sửa chữa tật nói ngọng ở học sinh, rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chuẩn, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành GD&ĐT của thành phố.
Tại nhiều trường học ở Hải Phòng đã tổ chức giao lưu giữa các đội chơi trong lớp với chủ đề “Em yêu tiếng Việt”. Nội dung gồm các bài kiểm tra về kiến thức tự nhiên, xã hội của học sinh, để qua đó rèn luyện khả năng nghe, nói, đọc, viết chuẩn. Cách làm này phát huy được tính tích cực của học sinh, xây dựng môi trường học đường thân thiện theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”.
Qua khảo sát tại 13 huyện ngoại thành Hà Nội thì có đến 22,27% số học sinh và 11,80% số giáo viên mắc tật nói ngọng. Từ 2 năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường tiểu học thường xuyên chú trọng việc sửa phát âm, viết sai khi dạy tiếng Việt, đặc biệt là các phân môn tập đọc, tập viết, tập làm văn. Các trường phải bố trí ít nhất 1 đến 2 tiết trong 1 tuần để luyện tập, chữa ngọng cho học sinh.
Các trường tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt. Giáo viên phải dành thời gian trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm cho nhau, hướng dẫn học sinh chia nhóm để luyện tập sửa ngọng. Việc nắm chắc nghĩa của từ để viết đúng là yếu tố quan trọng giúp việc sửa ngọng nhanh hơn.
Ngành GD&ĐT có vai trò rất lớn trong việc khắc phục tình trạng nói ngọng trong trường học và hoàn toàn có thể khắc phục được tình trạng này. Để học sinh phát âm chuẩn, trước hết giáo viên phải nêu gương, phải thấy rõ tầm quan trọng của việc rèn luyện để phát âm chuẩn. Nghe, nói, đọc, viết chuẩn tiếng Việt là cách tốt nhất để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam.
Lan Anh