Chống dịch ở nơi “đói” tiếng Việt

Chống dịch ở nơi “đói” tiếng Việt

Hàng trăm bạn trẻ đã “hoá thân” thành các phiên dịch viên, tuyên truyền, giúp người dân phòng chống “con cô vít”.

Dấu chân Pờ Hùng Sang nơi bản làng lưng chừng núi

Trước khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly toàn xã hội, anh Pờ Hùng Sang, Bí thư Huyện đoàn Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã cùng các đoàn viên lặn lội khắp các bản làng ngang lưng chừng núi để tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh. Pờ Hùng Sang chia sẻ: “Ngay khi xuất hiện dịch, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, đoàn viên thanh niên Mường Nhé đã triển khai tuyên truyền kiến thức phòng chống dịch đến bà con trên khắp các thôn bản. Phối hợp cùng lực lượng chức năng lập các chốt kiểm tra sức khỏe. Thực hiện cách ly cho bà con từ bên kia biên giới trở về”.

Sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng được ban hành, Huyện đoàn Mường Nhé đã vận động người dân khai báo y tế. Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nhà. Yêu cầu mọi người dân phải tuân thủ theo quy định cách ly giữa người với người, giữa thôn bản với thôn bản, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh… Nhờ tích cực tuyên truyền, hơn 80% người dân tại huyện Mường Nhé về cơ bản đã nắm và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Nhưng Pờ Hùng Sang chia sẻ, vẫn có những đồng bào sống xa địa bàn dân cư. Nhiều người trong số họ chưa biết tiếng phổ thông. Đa phần họ chỉ sử dụng được ngôn ngữ của dân tộc mình. Việc làm thế nào để tiếp cận, giúp bà con hiểu về phòng chống dịch bệnh không đơn giản. Để khắc phục, mỗi đoàn viên sẽ là một phiên dịch kiêm tuyên truyền viên, truyền đạt lại kiến thức phòng chống dịch cho bà con.

“Đối với chúng tôi, mỗi đoàn viên giống như một phiên dịch viên tích cực. Đó là cách để đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn vùng sâu, xa không bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19”, Pờ Hùng Sang tâm sự.

Cũng sự khó khăn, thiếu thốn của bà dân tộc sống ven vùng biên về những trang thiết bị cơ bản để phòng chống dịch, những người như Pờ Hùng Sang đã vận động người dân ủng hộ tiền mặt, vải may khẩu trang, nước rửa tay, xà phòng… Nhờ vậy, Huyện đoàn Mường Nhé đã phát miễn phí 2.000 khẩu trang cho đồng bào. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch đã đến tất cả 11 xã với 118 bản trên địa bàn.

Chống dịch ở nơi “đói” tiếng Việt ảnh 1
Hướng dẫn bà con đeo khẩu trang phòng dịch.

Chương trình phát thanh bằng ngôn ngữ dân tộc

Nói về khó khăn trong tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin, khai báo y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19, anh Hạng A Sáng, Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ cho biết, nhiều đoàn viên thanh niên gia đình khó khăn không có điều kiện sử dụng smartphone. Không ít đoàn viên có điện thoại nhưng không bắt được sóng. Vậy nên việc truyền tải thông tin từ đoàn viên thanh niên xã đến các chi đoàn thôn cũng có nhiều hạn chế. Tất cả đó trở thành rào cản khiến cho công tác tuyền truyền đến bà con chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ về cách làm sáng tạo của đoàn viên thanh niên trên địa bàn, anh Hạng A Sáng cho biết, mỗi đoàn viên thanh niên của huyện Nậm Pồ đã biên tập, phiên dịch. Sau đó, họ đọc qua loa phát thanh tại trung tâm văn hóa thông tin để bà con nắm bắt, chủ động phòng chống dịch.

Nhiều đoàn viên thanh niên cũng treo từng băng rôn, khẩu hiệu tại nơi công cộng. Nhiều nơi thực hiện các buổi phát thanh với ngôn ngữ của đồng bào dân tộc tại phòng chờ khám của Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ để bà con tiếp nhận, cập nhật tin tức phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ứng dụng CNTT nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo

Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn Điện Biên cho biết, trong công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ được giao và thu được kết quả tích cực.

Tỉnh đoàn thông qua 16 cơ sở huyện đoàn đã tiếp nhận kêu gọi từ các tổ chức cá nhân đã quyên góp và cấp phát gần 35.000 khẩu trang, 4.000 chai nước rửa tay, gần 2.000 bánh xà bông. Thành lập 100 điểm rửa tay công cộng… và một số lượng lớn nhu yếu phẩm như mỳ tôm, gạo hỗ trợ bà con trên địa bàn tỉnh.

Sau Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly xã hội, tỉnh đoàn đã tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền, truyền tải thông tin trong công tác phòng dịch. Thường xuyên chỉ đạo hệ thống đoàn trao đổi, cập nhật thông tin qua việc kết nối qua Internet, sử dụng mạng xã hội.

Anh Đặng Thành Huy chia sẻ: “Có thể nói công tác phòng chống dịch có được kết quả tích cực một phần là nhờ sự vào cuộc không ngại khó của các cơ sở đoàn, các cán bộ đoàn, thanh niên ở địa bàn vùng sâu, xa. Chúng tôi trân trọng công sức của các bạn trẻ ấy! Khi bà con vẫn sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp thì đội ngũ đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số đã thực hiện những giải pháp phù hợp và sáng tạo. Chỉ có cách phiên dịch từ ngôn ngữ phổ thông sang ngôn ngữ của đồng bào từng dân tộc thì mới có thể truyền tải đến người dân, đến bà con những nội dung cần thiết. Nếu không có cách làm sáng tạo đó thì không thể nào chuyển tải để bà con hiểu được. Khi không hiểu được thì việc thực hiện sẽ rất khó khăn”.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ