Chống đề kháng kháng sinh: “Cuộc chiến” không chỉ của ngành y tế

GD&TĐ - Ước tính có khoảng 63% bệnh nhân được đưa vào Khoa hồi sức Tích cực đã bị nhiễm một vi khuẩn kháng thuốc – khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Ông Gary Cohen – Phó Chủ tịch Điều hành sức khỏe toàn cầu báo động về tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Ông Gary Cohen – Phó Chủ tịch Điều hành sức khỏe toàn cầu báo động về tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh không được giám sát để điều trị các triệu chứng rất nhẹ như cảm lạnh và ho đã dẫn đến sự gia tăng các vụ khuẩn kháng thuốc ở nhiều bệnh nhân.

Sử dụng kháng sinh là văn hóa

Với thâm niên hơn 30 năm làm việc tại Khoa Vi sinh (Bệnh viện Bạch Mai) và là thành viên của Ban điều phối, giám sát Đề kháng kháng sinh của Bộ Y tế, Bác sĩ Đoàn Mai Phương nhận xét, đa số người Việt có quan niệm sai lầm về kháng sinh như sử dụng kháng sinh quá liều, tự ý mua kháng sinh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.

“Có tình trạng là nếu bác sĩ kê toa có kháng sinh phổ hẹp, ít độc, dùng 2 – 3 ngày sau mới có kết quả thì nghi ngờ “tay nghề” của bác sĩ. Tâm lý này đặc biệt phổ biến ở các ông bố bà mẹ có con nhỏ bị ốm, sốt. Điều này cũng dễ dẫn tới việc các bác sĩ ở phòng khám tư thường hay sử dụng kháng sinh, thậm chí là kháng sinh liều cao để triều trị những bệnh chưa thực sự cần đến kháng sinh; Đồng thời dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh cho trẻ, khiến việc điều trị những bệnh về sau phụ thuộc vào kháng sinh và tốn kém”.

Đề kháng kháng sinh (ĐKKS) là khả năng vô hiệu hóa tác dụng của thuốc kháng vi sinh vật như vi khuẩn, virut và một số ký sinh trùng của các vi sinh vậ như vi khuẩn, nấm, virus hoặc động vật nguyên sinh, khiến những loại thuốc này mất đi tác dụng. Việc này khiến các phương pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn vẫn có thể tồn tại và có thể lây lan.

Ông Gary Cohen – Phó Chủ tịch Điều hành sức khỏe toàn cầu và Chủ tịch của Quỹ BD đánh giá: “Trong khi cho đến thời điểm này, vẫn chưa xuất hiện những kháng sinh thế hệ mới thì dựa trên các xu hướng hiện nay, đến năm 2050, đề kháng kháng sinh ước tính sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong hàng năm cùng thiệt hai 100 nghìn tỷ USD cho năng suất kinh tế toàn cầu”.

Tại các bệnh viện ở Việt Nam, mức sử dụng kháng sinh được ghi nhận đạt trung bình 274,7 liều dùng hàng ngày/100 giường, cao hơn đáng kể nếu so với Hà Lan, nơi chỉ dùng ở mức 58,1 liều dùng hàng ngày/100 giường.

"Sử dụng thuốc kháng sinh sai cách đang là một vấn đề cấp bách tại Việt Nam. Nhiều người dân và cả các bệnh viện đều có những quan niệm sai lầm về thuốc kháng kháng sinh và việc lạm cùng quá mức loại thuốc này đang góp phần khiến số lượng các ca đề kháng khán sinh trong nước gia tăng.

Thuốc kháng sinh có thể mua dễ dàng tại các quầy thuốc có mặt ở khắp nơi mà không cần phải do bác sĩ kê đơn” – ông Gary Cohen nhận xét.

Nâng cao nhận thức thôi là chưa đủ

Năm 2013, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á phê duyệt Kế hoạch Hành động quốc gia về Chống kháng thuốc.

Kế hoạch giai đoạn từ năm 2013 đến 2020 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đầu tiên của Bộ Y tế trong việc đối phó với mối nguy hại ngày càng gia tăng của đề kháng kháng sinh.

Ông Gary Cohen – Phó Chủ tịch Điều hành sức khỏe toàn cầu và Chủ tịch của Quỹ BD: "Cách duy nhất để vượt qua mối đe dọa đề kháng kháng sinh là tất cả mọi người, từ các nhà hoạch định chính sách, cán bộ y tế, quản trị viên, bác sĩ lâm sàng, tổ chức nghề nghiệp, bệnh nhân và cả người dân áp dụng các biện pháp tốt nhất để phòng ngừa và điều trị nhiễm khuẩn"

Ngoài việc tuyên truyền cho người dân không sử dụng kháng sinh thông qua truyền khẩu kiểu như tham khảo đơn thuốc của người khác mà phải được bác sĩ thăm khám và kê đơn, được biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có biện pháp giám sát tích cực hơn việc bán kháng sinh theo đơn của các nhà thuốc.

Tăng cường vai trò của vi sinh lâm sàng cũng là một giải pháp hỗ trợ tích cực và lâu dài trong cuộc chiến kháng kháng sinh.

“Bác sĩ vi sinh lâm sàng sẽ có những chẩn đoán đúng xem mức độ bệnh của bệnh nhân có cần thiết phải sử dụng kháng sinh hay không, và nếu sử dụng kháng sinh thì theo dạng nấc nào thì phù hợp”, bà Hồ Thị Uyên Khương – Giám đốc thị trường của BD Việt Nam cho biết.

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một yếu tố mang tính rủi ro cao khác trong việc điều trị đề kháng kháng sinh. Ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người bị nhiễm khuẩn bệnh viện trong khi tiếp nhận điều trị. Ngoài ra, có từ 66% đến 83% ca nhiễm khuẩn bệnh viện có dấu hiệu kháng nhiều thuốc, dẫn đến đẩy cao chi phí điều trị, làm giảm hiệu quả của việc điều trị, thậm chí có truòng hợp việc điều trị cho các bệnh nhân này gần như bất khả thi.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ