(GD&TĐ) - Ấp đảo Thiềng Liềng (xã Thạnh An, Cần Giờ. TP Hồ Chí Minh) hiện chỉ có 38 học sinh trung học cơ sở nhưng số này đang rơi rụng dần bởi đường đến trường của các em quá đỗi vất vả.
Từ TP Hồ Chí Minh đến ấp Thiềng Liềng mất tròm trèm một ngày. Khoảng cách không xa (chỉ chừng 80km) nhưng phải mất nhiều thời gian như vậy vì phải chờ phà, chờ đò (1 chuyến phà và 2 lần đò).
Người ta gọi ấp Thiềng Liềng là đảo trong đảo quả không sai bởi từ trung tâm huyện Cần Giờ phải qua một chuyến đò chừng 45 phút mới sang xã đảo Thạnh An, rồi mất chừng ấy thời gian nữa đi đò mới tới được ấp. Bao bọc quanh Thiềng Liềng là sóng nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt và những rừng đước xanh ngắt. Sự cách biệt với đất liền tạo cho ấp đảo một không gian yên bình, thoáng đãng nhưng cũng gây không ít trở ngại cho đường học của những người dân nơi đây.
Tranh thủ ôn bài trên đường về. |
Nhọc nhằn nuôi chữ
4 rưỡi chiều, trời vẫn còn nắng chói chang, chuyến đò thứ 2 trong ngày từ trung tâm xã Thạnh An sang Thiềng Liềng – một trong 3 ấp của xã đảo này xuất bến. Khách bước xuống đò ngoài tôi là khách lạ còn lại đều là cư dân Thiềng Liềng, trong đó phần đông là học sinh.
Vừa yên vị trên đò, cô bé Lê Thị Kim Ngân đã mở vở ra nhẩm học. Các bạn của Ngân cũng lần lượt mở tập vở ra học. Anh bạn trẻ tên Hậu, là cán bộ văn hóa xã ngồi cạnh tôi cười hồn hậu nói: “Tụi nhỏ tranh thủ ôn bài trên đò để về nhà có thời gian làm việc giúp bố mẹ. Đó là truyền thống của học sinh quê tôi. Dù vất vả nhưng học sinh Thiềng Liềng rất hiếu học. Ngày nắng cũng như ngày mưa, tụi nhỏ thức dậy từ khi trời còn tối mịt, đi bộ có khi cả 5 cây số từ nhà ra bến để kịp chuyến đò lúc 5 giờ sáng sang trung tâm xã học”.
Trong số học sinh của ấp Thiềng Liềng, Trần Thị Thắm được các thầy cô giáo rất quý mến vì tính lễ phép, ham học. Bố mẹ đi làm mướn ở cánh đồng muối, lâu lâu mới về, Thắm ở nhà với bà nội nên từ nhỏ cô học sinh lớp 8 này đã có ý thức tự giác học bài, phụ giúp bà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn... Năm vừa rồi, thương con đi lại vất vả, bố mẹ Thắm xin phép nhà trường cho em ở lại qua đêm. Thắm kể: “Mới đầu em sợ lắm nhưng có mấy bạn ở cùng, lại được các thầy cô giúp đỡ nên không còn sợ nữa”.
Thế nhưng từ tết tới giờ, Thắm lại đi đi về về trong ngày. “Em muốn ngủ lại trường để có nhiều thời gian học bài hơn lại không phải đi lại vất vả nhưng các bạn ở cùng phòng về nhà hết cả. Một mình vừa buồn, vừa sợ nên em xin phép thầy cô về nhà” – Thắm tâm sự. Cũng giống như các bạn trong ấp, lên đò là Thắm mở vở ôn lại bài. Đò về tới ấp bài học của hôm đó đã được “giải quyết” xong. Cơm tối xong, Thắm đi ngủ sớm lấy sức cho ngày hôm sau.
Ngày nào cũng vậy, học sinh Thiềng Liềng phải đi chuyến đò lúc 5 giờ sáng tới trường và về tới nhà lúc 5 giờ chiều. |
Ghé thăm Trường Trung học cơ sở Thạnh An, hỏi chuyện về những học trò ấp Thiềng Liềng, anh Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường không giấu vẻ tự hào về học sinh của mình: “Học sinh Thiềng Liêng có truyền thống ngoan ngoãn, lễ phép hơn hẳn các học sinh khác. Một số em rất chuyên cần, học lực luôn đạt khá, giỏi. Do các em đều có hoàn cảnh khó khăn nhưng hiếu học nên hầu hết học bổng ban giám hiệu nhà trường đều ưu tiên cho học sinh Thiềng Liềng.
Để giúp các em có điều kiện thuận lợi học tập, nhà trường dành 2 phòng ở tập thể giáo viên cho các em nghỉ trưa. Ban giám cũng vận động nhân viên tạp vụ của trường nấu ăn cho các em không lấy phí. Xoong nồi, bát đũa đều do nhà trường mua sắm cho, các em chỉ phải đóng tiền mua gạo, thức ăn, mỗi bữa 9.000 đồng. Nhà trường cũng phân công cô Ngọc, là nhân viên y tế học đường chăm lo các em buổi trưa”. Sự giúp đỡ này đã phần nào nâng đỡ ước mơ nuôi chữ của học sinh Thiềng Liềng nhưng khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Sóng nước cản bước tới trường
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Huỳnh, Bí thư kiêm Trưởng ấp Thiềng Liềng ưu tư khi nghĩ tới đường học của con em mình: “Thiềng Liềng có 200 hộ dân, quá nửa là hộ nghèo. Đường đi lại bất tiện quá trời. Mỗi ngày có 2 chuyến đò từ ấp sang xã và ngược lại. Tụi nhỏ (học sinh) là cực nhất. Ngày nào cũng phải thức dậy từ sáng sớm, lội bộ ra đò đi sang xã học, chiều tan học lại phải chạy ngay ra bến để kịp lên dò về nhà. Buổi trưa ở trường chúng phải tự lo chăm sóc bản thân. Có đau ốm cũng phải tự lên trạm y tế khám, xin thuốc”.
Một góc ấp đảo Thiềng Liềng. |
Vì vị trí hẻo lánh, đi lại khó khăn mà đường học của con em người dân ấp Thiềng Liềng đầy trắc trở. Số học sinh tốt nghiệp cấp II của ấp có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại, ấp chỉ có trường mẫu giáo và trường tiểu học. Học sinh cấp II phải sang trung tâm xã học, nếu muốn học cấp III phải tới thị trấn Cần Thạnh trọ học. Tiền đò cộng với chi phí trọ học tốn kém nên hầu hết học sinh ở Thiềng Liềng đều nghỉ học trước lớp 10. Ông Huỳnh thổ lộ: “Cả ấp có khoảng chừng 6-7 em theo học được tới cấp III. Mấy năm vừa rồi nhờ có lớp học bổ túc buổi tối do các anh biên phòng dạy, người dân trong ấp mới biết đến con chữ. Có hơn 20 người được công nhận hết lớp 9”.
Ông Huỳnh cho biết thêm: “Học sinh trong ấp khi học cấp II được hỗ trợ tiền đò. Trước, một ngày mỗi học sinh chỉ mất 4.000 đồng tiền đò, vừa rồi xăng dầu tăng giá, đò cũng lên giá 10.000 đồng một ngày. Cộng cả tiền ăn trưa, mỗi em mất chừng 20.000 đồng/ ngày, nhiều gia đình lo không nổi đành cho con nghỉ học giữa chừng”. Ông buồn rầu điểm danh những gia đình có con vừa mới bỏ học. Đó là Trần Thị Thúy Diễm (lớp 6); Đỗ Thị Tâm, Lê Thị Mỹ Tuyên (lớp 9)… Một số học sinh khác bố mẹ bắt nghỉ học vì quá mê trò chơi điện tử. “Bố mẹ chúng thường đi làm mướn hàng tháng mới về thăm con. Không có người quản lý, chúng thường trốn học đi chơi game, kiến thức bị rỗng càng học càng đuối. Bố mẹ chúng buộc phải cho thôi học cho đi làm mướn cùng vừa kiếm thêm được tiền vừa cai được game” – ông Huỳnh giải thích.
Trao đổi với chúng tôi về sự trợ giúp học sinh Thiềng Liềng tiếp tục nuôi chữ, ông Võ Hoàng Kiệt, Bí thư kiêm chủ tịch xã Thạnh An cho biết: Xã đã đề xuất lên huyện phương án tăng mức hỗ trợ tiền đò cho học sinh Thiềng Liềng. Việc này khả thi vì đã có nguồn kinh phí đảm bảo từ sự ủng hộ của một số tổ chức trong thành phố.
Nguyễn Bích