Chọn SGK theo tiêu chuẩn nào phù hợp với trường học miền núi?

Chọn SGK theo tiêu chuẩn nào phù hợp với trường học miền núi?

Chọn SGK theo đúng quy trình hướng dẫn

Cô Nguyễn Thị Thanh - Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 1, Trường Tiểu học Phúc Sơn cho biết: Nhà trường đã thông báo đến giáo viên về việc thành lập Hội đồng lựa chọn SGK có 13 đồng chí; Gồm: Hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng; 3 tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong hội đồng; Lập kế hoạch chỉ đạo từng thành viên trong hội đồng để làm việc;

Sách sẽ được cán bộ, giáo viên nhà trường lựa chọn theo nguyên tắc và các tiêu chí sau: SGK thuộc danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt; Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 (một) đầu SGK;

Bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT. Viết phiếu đánh giá SGK từng môn học trong 5 bộ sách; Viết biên bản đánh giá SGK; Soạn giáo án ở một số bộ sách.

Giáo viên Trường Tiểu học Phúc Sơn đang nghiên cứu các bộ sách giáo khoa mẫu.
 Giáo viên Trường Tiểu học Phúc Sơn đang nghiên cứu các bộ sách giáo khoa mẫu.

Các tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo các tiêu chí. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn theo đúng hướng dẫn.

SGK phải phát huy được yếu tố tự học, sáng tạo của học sinh

Cô Thanh cho biết, trong việc này cũng có nhiều khó khăn; Đó là việc trường có ít SGK mẫu để giáo viên nghiên cứu. Mỗi trường chỉ được cấp 1 bộ sách mẫu, có khi 3 trường nghiên cứu chung 1 bộ sách mẫu. Sách mẫu có ít nhưng trường lại đông giáo viên, có bộ sách chưa có sách mẫu để tham khảo, chủ yếu giáo viên nghiên cứu sách điện tử nên mất nhiều thời gian để phân tích, đánh giá, so sánh lựa chọn.

“Nếu có đầy đủ SGK mẫu và sách hướng dẫn sẽ giúp toàn bộ giáo viên được tiếp cận với sách mới nhanh hơn và có hiệu quả hơn”- cô Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.

Theo cô Thanh, 100% học sinh nhà trường là dân tộc thiểu số, nhận thức của các em không đồng đều, các em còn hạn chế về nhiều mặt nhất là tiếng Việt. Khi lựa chọn SGK, cán bộ, giáo viên đã đặt tiêu chuẩn chọn sách phù hợp nhất với trình độ chung của học sinh ở đơn vị trường mình.

Cụ thể, các tiêu chí phải đặt lên trên là: SGK có phù hợp với đối tượng học sinh vùng miền; Nội dung sách đảm bảo tính khoa học, hiện đại; SGK phải được phân hóa đối tượng học sinh; Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại trường. Các bài học, chủ đề trong sách giúp giáo viên thay đổi linh hoạt được các phương pháp dạy học tích cực. Nội dung SGK có giúp giáo viên đánh giá thường xuyên phẩm chất năng lực HS.

Đồng thời với đó là giá SGK, cùng với những tiêu chí trên, bộ sách sẽ được chọn phải có giá thành phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân trong vùng.

“Tôi và phụ huynh cho rằng giá của các bộ SGK lớp 1 mới cao hơn so với sách cũ. Nhưng đây không phải là vấn đề quá quan trọng khi chọn sách SGK lớp 1 mới mà yếu tố quan trọng với giáo viên, phụ huynh là kiến thức nội dung sách có đảm bảo tính khoa học, hiện đại và phù hợp với học sinh vùng miền không; sau khi học SGK lớp 1 mới, học sinh có phát huy được yếu tố tự học, tự giác tích cực học tập, áp dụng được những gì mình đã học vào thực tiễn cuộc sống hay không.” - cô Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ