Chọn phương án kỳ thi THPT quốc gia: Mục tiêu là đảm bảo chất lượng

Các phương án áp dụng cho kỳ thi THPT sắp tới chỉ là hình thức môn thi tổng hợp. Mục đích là làm nhẹ, giảm bớt căng thẳng cho học sinh.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (Ảnh: Bích Lan)
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014 (Ảnh: Bích Lan)

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, đáp ứng hai yêu cầu sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời làm cơ sở tin cậy để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong quá trình thực hiện việc tự chủ tuyển sinh của trường theo quy định của Luật Giáo dục Đại học.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chốt phương án cuối cùng tổ chức thi nhưng lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, phương án thi năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi.

Phóng viên trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga về nội dung này.

Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới khi các trường được tự chủ trong tuyển sinh?

Kỳ thi quốc gia sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng, cung cấp những dữ liệu để cho các trường dựa vào đấy tuyển sinh. Những trường tốp cao, những trường nghiên cứu hoặc những trường có ngành rất quan trọng đào tạo tinh hoa mới thực hiện tổ chức thi riêng, còn đa số xét tuyển kết hợp với những kết quả khác.

Một trong những yêu cầu của kỳ thi này là tính nghiêm túc, kết quả thi đảm bảo để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp như thế nào để đảm bảo được mục tiêu này?

Một trong những yếu tố quan trọng nhất là làm sao đảm bảo được tính nghiêm túc, công bằng, khách quan cũng như chất lượng của kỳ thi để các trường sử dụng làm tiêu chí xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Bởi vì đây là yếu tố mà các trường đại học, cao đẳng quan tâm nhất.

Nếu không làm thành công kỳ thi này để phục vụ công tác tuyển sinh cho các trường, các trường phải tổ chức thi như vậy sẽ rất tốn kém, cho nên Bộ đã đề ra những phương án tổ chức thi theo các cụm thi ở tỉnh, chấm thi thì theo vùng. 

Ví dụ như ở các khu vực liên tỉnh để dồn lại một nơi chấm và mời các giáo viên đại học, cao đẳng cũng tham gia coi thi chấm thi. Nói chung là kinh nghiệm của kỳ thi 3 chung chúng ta đạt được sẽ áp dụng cho kỳ thi quốc gia này. 

Trong kỳ thi 3 chung chúng ta đã mời giáo viên phổ thông tham gia công tác coi thi chấm thi rồi, sắp tới kỳ thi quốc gia chúng ta cũng làm như vậy. Nhiệm vụ của kỳ thi quốc gia làm sao đảm bảo được tính khách quan trung thực công bằng để các trường sử dụng kết quả.

Chọn phương án kỳ thi THPT quốc gia: Mục tiêu là đảm bảo chất lượng ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga (Ảnh: Bích Lan)
Trong 3 phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, phương án 2 và 3 là thi theo bài thi. Nhiều chuyên gia và học sinh lo lắng các em chưa học theo hướng tích hợp mà lại thi tích hợp sẽ rất khó khăn. Vậy, ông có thể giải thích rõ hơn về 3 phương án môn thi này?

Những đề thi đó chỉ tổng hợp thôi, có nghĩa là những môn đấy thay vì thi mỗi môn 1 buổi thì bây giờ thi một buổi 3 môn, thời gian giảm đi. Ví dụ trước đây thi 3 tiếng 1 môn thì bây giờ thi 1 tiếng một môn, học sinh sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

Không nên nói tích hợp mà cũng không nên hiểu là tích hợp trong giai đoạn này. Tích hợp là chỉ khi nào chúng ta đã thay đổi chương trình sách giáo khoa, chúng ta dạy tích hợp, phương pháp học tích hợp thì lúc ấy mới thi tích hợp. 

Xin xác nhận là kỳ thi quốc gia, tất cả các phương án thì chỉ là những môn tổng hợp thôi. Mục đích là làm nhẹ, giảm bớt căng thẳng cho học sinh.

Nếu áp dụng kỳ thi THPT quốc gia ngay trong năm 2015, việc đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng của học sinh sẽ thay đổi như thế nào thưa ông?

Những thí sinh đang học phổ thông thì đơn giản, các em chỉ học và đăng ký thi giống như lâu nay. Những thí sinh tự do sẽ đăng ký thi các môn mà mình cần xét tuyển thôi, không phải thi tất cả các môn. Những môn bắt buộc nếu không dùng để xét tuyển thì không phải thi nữa.

Sau khi có kết quả, các trường sẽ đưa ra các điều kiện để xét tuyển. Ví dụ trường A tổng 3 môn Toán, Lý, Hóa phải 15 điểm trở lên thì chỉ những em đạt mới nộp hồ sơ vào. Còn những em không đạt thì không nộp để tránh tình trạng thí sinh ảo.

Việc thi xong rồi mới xét tuyển rõ ràng là rất tiến bộ và đó cũng được coi là một đổi mới căn bản. Các nước tiên tiến trên thế giới cũng làm như thế.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo vov

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ