Chọn nghề theo cảm tính?

GD&TĐ - Những năm gần đây, giới trẻ  bắt đầu có  xu hướng chọn các trường nghề. Tuy nhiên, để lựa chọn ngành học đại học hay nghề cao đẳng, trung cấp thì nhiều bạn lại dựa vào cảm tính mà không rõ được ngành nghề nào phù hợp với bản thân, năng lực của mình.   

Nghề y tá - điều dưỡng đang ngày một hấp dẫn người học. Ảnh: T.G
Nghề y tá - điều dưỡng đang ngày một hấp dẫn người học. Ảnh: T.G

Nghề tìm người, hay người tìm nghề?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, số học sinh thực sự có hiểu biết và ngành, trường mình chọn học trong mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây và hiện nay không nhiều.

Đa số thiếu hiểu biết về ngành mình chọn dẫn đến việc nhiều học sinh lựa chọn ngành học theo cảm tính mà không hiểu hết tính chất nghề nghiệp cũng như định hướng, triển vọng việc làm sau khi ra trường.

Chuyên gia tuyển sinh PGS.TS Lê Văn Thanh - Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Trong xã hội hiện đại, nhất là khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ranh giới nghề nghiệp là vô cùng biến động và luôn có những đổi thay.

Có thể nay bạn học nghề này nhưng khi ra trường lại chọn công việc khác. Sự đa dạng về loại hình công việc cũng như khả năng cung ứng tốt chất xám của người lao động khiến thị trường luôn linh hoạt trong tuyển dụng và sử dụng lao động.

Người chọn nghề hay nghề chọn người không còn là điều bất di, bất dịch mà có sự chuyển đổi hết sức linh hoạt, nhưng lại trong một khuôn mẫu chặt chẽ hướng đến chất lượng và hiệu quả cao nhất - đây là thước đo sự thành công của mỗi lao động chứ không phải là học đúng nghề ra trường làm đúng chuyên môn đào tạo.

Chưa có con số thống kê, nhưng mùa tuyển sinh 2019 này đã bắt đầu cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ của các loại hình lao động, gắn liền với đó là tư duy nghề nghiệp hay nói rõ hơn là việc lựa chọn nghề của học sinh cuối cấp THPT.

Thầy Đỗ Đại Đoàn - Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (Vân Đồn, Quảng Ninh), cho biết: Những năm trước, học sinh của trường đã có sự phân hóa, nhiều em theo học để xét tuyển đại học, số còn lại thì chỉ có mục đích tốt nghiệp THPT, trong đó nhiều em hướng đến học nghề ở Nhật Bản.

Sang năm 2019, sự phân hóa ngày càng rõ hơn khi nhiều học sinh bộc lộ rõ nguyện vọng đi học nghề. Từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tổ chức 6 buổi họp với phụ huynh học sinh để thống nhất quan điểm lựa chọn học nghề là tốt, nhưng không được chểnh mảng học tập vì học gì cũng phải đạt tốt nghiệp THPT.

Hãy nghe chuyên gia tư vấn

Thực tế cho thấy có nhiều ông bố, bà mẹ quan tâm đến việc học của con, tuy nhiên các bậc phụ huynh lại hay hướng con mình theo học một số ngành nghề theo cảm tính của riêng họ. Nhiều em tâm sự, bố mẹ kỳ vọng quá, chỉ muốn con vào trường đại học trong khi các bạn này lại muốn đi học nghề để nhanh nhanh có việc làm.

Chính những áp đặt quá đà của phụ huynh, không tính đến sở thích và năng lực của con em đã dẫn đến tình trạng các em chán nản khi phải học ở một trường do cha mẹ lựa chọn.

Thạc sĩ Lương Tuấn Long - Trưởng phòng Công tác Chính trị và Sinh viên, Trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng: Để lựa chọn nghề cho con một cách chính xác nhất nên dựa vào các tiêu chí: Chọn ngành nghề phải phù hợp với sở thích và năng lực của chính con em mình; Nghề cần phải được đánh giá tiềm năng phát triển với các yêu cầu về công việc, nhóm ngành đào tạo, cơ hội việc làm;

Môi trường học tập cũng là một trong các tiêu chí hết sức quan trọng vì hiện nay nhiều ngành nghề mới được mở, nhưng vấn đề là chất lượng và điều kiện đảm bảo cũng như phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Đặc biệt, nếu khó khăn cần tham khảo thêm từ trung tâm hướng nghiệp uy tín và tham dự các hội thảo về định hướng nghề, hội chợ việc làm để lắng nghe trực tiếp những lời khuyên của chuyên gia. Đây là cơ hội tốt để được nghe những tư vấn của các nhà trường. Tuy nhiên, cơ sở GD cũng tránh việc quảng bá hình ảnh để lấy người học.

Quá trình tư vấn và định hướng nghề cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời sẽ không khó, quan trọng là hiểu và nắm được tâm tư nguyện vọng của các bạn, từ đó mới đưa ra các giải pháp thích hợp, hiệu quả.

Tư vấn sao cho đúng và trúng, muốn vậy phải hiểu người được tư vấn, không nên đi trái với mong muốn của các bạn trẻ, nếu các bạn học giỏi lại tư vấn ngành học không yêu thích, đừng nói sau đó các bạn học chểnh mảng mà kể cả sau này tốt nghiệp thì chưa chắc có động lực làm việc và cống hiến.

Còn với những bạn chỉ mong học nghề, nhưng lại khuyên vào đại học như thế là làm khó cho họ vì bản thân người học không muốn, chứ chưa kể đến việc năng lực học tập phù hợp hay không. Lời khuyên của chuyên gia lúc này là: Khó khăn khi lựa chọn nghề, hãy mạnh dạn hỏi chuyên gia!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ