Chọn ngành phù hợp để đào tạo lao động nông thôn

GD&TĐ - Những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện đào tạo nghề lao động nông thôn (LĐNT) cho thấy, sự gắn kết giữa đào tạo với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. 

Một lớp đào tạo “Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn” cho LĐNT tại xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
Một lớp đào tạo “Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn” cho LĐNT tại xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.

Tình trạng lựa chọn ngành nghề đào tạo không phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, vấn đề cần được khắc phục trong giai đoạn tới.

Khó xác định ngành nghề đào tạo

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn 2016 - 2019, đã có 4,9 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 89% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 là 5,5 triệu người.

Trong tổng số 2,85 triệu LĐNT được hỗ trợ học nghề, có trên 0,85 triệu người học nghề nông nghiệp, khoảng 2 triệu người học nghề phi nông nghiệp, trong đó có 450.000 người dân tộc thiểu số; 200.000 người thuộc hộ nghèo; 60.000 người khuyết tật; còn lại là các đối tượng LĐNT khác.

Các địa phương báo cáo, có trên 100.000 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo, chiếm 24,3% tổng số người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề. Trên 165.000 hộ có người tham gia học nghề, có việc làm và thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.

Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau học nghề giai đoạn 2016 - 2019 là 81,4%, vượt mục tiêu Đề án đặt ra 1,4%...

Từ năm 2016, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,1 triệu LĐNT.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương tuy đã được hướng dẫn rà soát hàng năm, tuy nhiên vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao.

Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.

Nhu cầu mới và xu hướng thị trường

Theo đánh giá, hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp nước ta đang được nâng cấp và mở rộng, tuy nhiên vẫn tồn tại hạn chế khi đào tạo ít gắn với sản xuất và sử dụng lao động, dẫn tới việc không đủ đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đầu tư dạy nghề, giúp nâng cao hiệu quả hệ thống đào tạo. Có đủ khả năng cung cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ tham gia hỗ trợ kèm học viên, cũng như tạo cơ hội để học viên thực hành, doanh nghiệp cũng là nơi tiếp nhận lao động sau đào tạo.

Vì vậy, thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề sẽ tận dụng được tối đa những lợi thế để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, tránh lãng phí cho Nhà nước, xã hội và người học.

Định hướng nghề nghiệp và dạy nghề nông nghiệp tại các cơ sở, TS Vũ Ngọc Huyên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hàng năm cơ sở đào tạo cần xác định nhu cầu của doanh nghiệp để có hướng đào tạo phù hợp.

Trước tuyển sinh, có thể tổ chức các lớp chia sẻ định hướng LĐNT đăng ký học nghề phù hợp với trình độ, năng lực bản thân, định hướng phát triển của địa phương. Đặc biệt, tập trung định hướng dạy nghề về các sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đào tạo theo hợp đồng, đặt hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã…

Xu hướng nông nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đào tạo nghề trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo quy chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…

Việt Nam cũng đang phấn đấu vào top 10 thế giới trong lĩnh vực chế biến nông sản. Vì vậy, đào tạo nghề về chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm là nhóm nghề cần được chú trọng trong giai đoạn tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ