Cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng

Cho ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng

(GD&TĐ)-Ngày 29/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 41, cho ý kiến vào quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 và dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.  Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên h

T
Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 41 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với cách đánh giá của Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, qua quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009 vẫn còn một số tồn tại, đó là chất lượng xây dựng và giao dự toán ngân sách Nhà nước còn chưa cao, thực tế nhiều khoản thu, chi có sự khác biệt đáng kể so với dự toán; công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước đã có nhiều tiến bộ song vẫn còn nhiều hạn chế, nợ đọng thuế còn lớn, công tác thanh tra, kiểm tra về thu ngân sách Nhà nước chưa thật sự được tăng cường, thậm chí còn giảm ở một số địa phương; tình trạng vi phạm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước vẫn khá nhiều, các khoản tạm thu, tạm giữ chưa xử lý còn lớn.

Việc chấp hành các quy định về chi ngân sách Nhà nước ở một số Bộ, ngành và địa phương, đơn vị còn chưa tốt, nhiều khoản chi tăng đột biến, một số khoản chi không hoàn thành dự toán ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Kỷ luật tài chính được thắt chặt nhưng tình trạng sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng kéo dài vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và trong điều kiện bội chi ngân sách Nhà nước và dư nợ Chính phủ ở mức khá cao, số chi chuyển nguồn sang năm sau lớn và tiếp tục gia tăng làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.

Chiều 29/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 có chuyển biến tích cực. Năm 2011, Chính phủ đã chủ trì, soạn thảo 29 dự án luật, nghị quyết, trong đó, có 22 dự án thuộc chương trình chính thức và 7 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 gồm tổng số 52 dự án (47 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh), trong đó có 33 dự án thuộc chương trình chính thức và 19 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.

Trong số 52 dự án luật, pháp lệnh của năm 2012, có 22 dự án thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XII chuyển sang, với 15/22 dự án thuộc năm 2011.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc bố trí các dự án trong từng kỳ họp cần theo thứ tự ưu tiên, xem xét đưa vào Chương trình các dự án cần thiết đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, không dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để bảo đảm tính khả thi của Chương trình và chất lượng dự án.

Cũng trong ngày làm việc, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 39, Dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau khi tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý gồm 6 chương, 40 điều (Dự thảo Pháp lệnh cũ gồm 41 điều), tập trung vào các vấn đề phạm vi điều chỉnh; quản lý, sử dụng vật liệu nổ; nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; vấn đề cá nhân sở hữu súng, đạn.

Ngày mai (30/6), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc.

Xuân Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ