Trẻ được cho ăn dặm khi nào?
Đối với trẻ sơ sinh, các chuyên gia y tế khuyên nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng có điều kiện được bú mẹ nhiều đến vậy, mà thay vào đó, trẻ được ăn thêm sữa ngoài, thậm chí được cho tập ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi.
Nguyên nhân có thể do mẹ không đủ sữa, bởi không phải bà mẹ nào sau sinh cũng nhiều sữa cho con bú do nhiều yếu tố như cơ địa hoặc do phương pháp sinh.
Thông thường, các bà mẹ sinh theo phương pháp thường sẽ có sữa sớm và nhiều sữa hơn bà mẹ sinh mổ, hoặc do quá trình mang thai, do ốm nghén nhiều khiến một số bà mẹ sau khi sinh con sẽ thiếu sữa.
Không phải trẻ nào cũng có điều kiện được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng tuổi, mà thay vào đó, trẻ được ăn thêm sữa ngoài, thậm chí được cho tập ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi. Ảnh minh họa
Ngoài ra, cũng không ít bà mẹ do yếu tố công việc mà không thể ở bên chăm sóc con trong 6 tháng thai sản, phải đi làm sớm nên bé được cho ăn chất thô sớm hơn thông thường…
Cũng bởi hàng ngàn lý do kể trên, mà rất nhiều trẻ sơ sinh phải tập ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng, thậm chí có trẻ mới 4-5 tháng đã được mẹ cho ăn dặm.
Khi cho trẻ ăn dặm, nhiều bà mẹ lúng túng trong việc chọn thực phẩm cho con, nhất là những bà mẹ nuôi con đầu lòng.
Hơn ai hết, cha mẹ nào cũng muốn mang đến cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất, dù bé tập ăn dặm chỉ 1-2 thìa thức ăn/bữa nhưng cũng cần thiết phải cầu kỳ chế biến cho con được ngon và đầy đủ nhất.
Bữa ăn đối với bất kỳ lứa tuổi nào không chỉ đơn giản là ăn cho khỏi bị đói, cho ngon miệng mà còn phải đầy đủ chất. Đối với trẻ nhỏ và trẻ đang tập ăn, bữa ăn đối với bé rất quan trọng để giúp bé phát triển về thể chất và trí tuệ.
Chia sẻ về vấn đề cho con ăn dặm, “bà mẹ bỉm sữa” Phương Anh (ở Đông Ngạc – Từ Liêm – Hà Nội) tâm sự, chị cho con gái tập ăn dặm từ khi bé mới được hơn 4 tháng, cũng bởi chị sinh mổ nên ít sữa, bé lại lười ăn sữa ngoài nên thường xuyên khóc đêm vì đói.
“Để cháu không thường xuyên thức thâu đêm, bà nội bé cho cháu tập ăn dặm khi con mới hơn 4 tháng tuổi. Thời gian đầu bé chỉ ăn 1 bữa/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ, thức ăn của bé là bột ăn dặm bán sẵn”.
Chị Phương Anh cho biết, thấy con có vẻ thích thú, nên chỉ 1 tuần sau khi bắt đầu tập ăn, bé nhà chị đã được tăng dần lên 2 bữa/ngày.
Và đến thời điểm này bé hơn 6 tháng nên được làm quen với thức ăn mặn và đặc hơn trước đó.
Bữa ăn đối với bất kỳ lứa tuổi nào không chỉ đơn giản là ăn cho khỏi bị đói, cho ngon miệng mà còn phải đầy đủ chất. Đối với trẻ nhỏ và trẻ đang tập ăn, bữa ăn đối với bé rất quan trọng để giúp bé phát triển về thể chất và trí tuệ. Ảnh: Minh Hà
Theo lời chị Phương Anh, cũng bởi lần đầu làm mẹ, chị đã rất khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm tốt nhất cho con, ngoài yếu tố dinh dưỡng còn phải đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và phù hợp với lứa tuổi của bé.
Cũng giống như chị Phương Anh, bà mẹ 9X Thùy Linh (ở Thanh Xuân – Hà Nội) tâm sự, để không bị nhà chồng chê thiếu kiến thức chăm con, chị Linh đã phải liên tục tìm hiểu các phương pháp ăn dặm từ Tây đến ta trên mạng xã hội, kể cả những phương pháp truyền thống từ các bà mẹ bỉm sữa khác.
Sau khi thấy phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang được nhiều bà mẹ Việt lựa chọn, chị Linh đã tham khảo để áp dụng cho con.
Bé Nam Anh nhà chị Linh cũng bắt đầu được cho ăn dặm từ khá sớm, từ khi 5 tháng tuổi. Lý do vì chị đã nghỉ hết thời gian thai sản, nhà chỉ có bà ngoại trông cháu nên sợ con uống sữa không đủ no.
Cho trẻ ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng, mẹ Việt cần lưu ý gì?
Hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyên rằng, cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng sẽ không có lợi cho hệ tiêu hóa của bé. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, nếu không cẩn thận trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa và dị ứng thực phẩm.
Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải cho con ăn dặm ở giai đoạn này, mẹ Việt cần lưu ý tuyệt đối không cho con ăn chất thô cứng và khó tiêu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Thực đơn ăn dặm cho bé cần đầy đủ tiêu chuẩn các nhóm dinh dưỡng: Tinh bột (bột gạo, bột mỳ, ngũ cốc như đậu đỗ…), chất đạm (có trong thịt, cá, tôm, trứng…), vitamin (có trong rau, củ, quả…), chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và chất xơ.
Thực đơn ăn dặm cho bé cần đầy đủ tiêu chuẩn các nhóm dinh dưỡng. Ảnh: Minh Hà
Cho trẻ bắt đầu từ dạng lỏng đến đặc dần, từ bột ngọt sang mặn và đặc biệt không thêm mắm muối vào đồ ăn dặm của bé.
Và sau cùng, điều đáng lưu ý nhất là mẹ chỉ nên cho con bắt đầu ăn dặm khi bé đã thực sự sẵn sàng, không nên cưỡng ép bé ăn dặm quá sớm khi bé không bỏ bú, uống sữa và tăng cân đều.
Ngoài ra, mẹ hãy tham khảo gợi ý dạng thức ăn cho bé ăn dặm dưới 6 tháng tuổi để mẹ có thêm kiến thức cho hành trình chăm con tốt hơn: