(GD&TĐ) - Từ lâu tại địa chỉ ngõ 67/12 đường Tô Ngọc Vân, Hà Nội tồn tại một phiên chợ đặc biệt chỉ họp từ 9h - 12h thứ Bảy hằng tuần, cả người mua và người bán đa phần đều là người nước ngoài. Khu chợ không chỉ là nơi mua bán hàng hóa mà còn là một địa chỉ giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc của nhiều nền văn hóa khác nhau. Mọi người vẫn quen gọi nơi này là “chợ Tây”
Đa phần là khách tây |
Phiên chợ có một không hai
Chợ Tây là sự kết hợp độc đáo của một phiên chợ Việt với các mặt hàng phù hợp với ẩm thực châu Âu. Chợ được chia thành hai khu, một khu chuyên bán đồ thực phẩm như rượu vang, bánh ngọt, mật ong, rau xanh, trứng gà, gạo…, khu còn lại bán sách, quần áo cũ, đồ thủ công làm bằng tay, đồ mỹ nghệ. Tất cả các hàng hóa đều được xếp gọn gàng, bắt mắt, niêm yết giá cụ thể và có nguồn gốc rất rõ ràng.
Ghé thăm gian hàng mật ong của anh Alain Fioruci, người Pháp gốc Ý sống tại Việt Nam đã 15 năm, chúng tôi thấy anh đang cần mẫn nhúng từng thìa nhỏ mật ong đưa cho khách thử. Anh tươi cười nói với chúng tôi bằng giọng lơ lớ “Xin mời, đây là mật ong chính hiệu đó, tôi nhập từ Mèo Vạc, Hà Giang”. Theo lời anh Alain thì khu chợ do một chàng rể Pháp tên Patrice Gautier, vốn là giám đốc công ty Cổ phần dịch vụ Chăn nuôi Thú y châu Á, thành lập năm 2009. Có một thời gian dài sống và làm viêc tại Việt Nam, Patrice đã nảy ra ý tưởng thành lập khu chợ mô phỏng chợ phiên cuối tuần ở châu Âu. Anh cùng vợ mở cửa hàng Tự nhiên Việt Nam (Naturally Vietnam) để thúc đẩy việc mua bán các sản phẩm chăn nuôi sạch và từ đó mời gọi các công ty Việt Nam tham gia mở chợ. Và sâu xa hơn, anh muốn có một nơi để hằng tuần những người ngoại quốc sống tại Hà Nội làm nơi gặp gỡ, giao lưu cho vơi bớt nỗi nhớ quê hương, nhất là vào những dịp lễ, tết.
Ban đầu chỉ có hơn chục quầy hàng chủ yếu bán thực phẩm, sau hai năm đi vào hoạt động, đến nay khu chợ đã có khoảng 20 quầy hàng. Khoảng một nửa trong số những người bán hàng ở đây là người nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Canada, Australia, Pháp... Cũng không có nhiều người nói được tiếng Việt như anh Alain, họ thường thuê nhân viên người Việt bán theo giờ, chủ yếu là sinh viên một số trường đại học, nghe, nói tốt tiếng Anh. Hầu hết các chủ hàng đều có thái độ phục vụ thân thiện và tận tình.
Khách đến chợ đa phần là người nước ngoài sống quanh địa bàn quận Tây Hồ. Chị Bacbara, quốc tịch Ý, vừa chọn mua trứng, vừa tươi cười nói: “Cả nhà tôi tuần nào cũng đi chợ, các con tôi rất thích được đến đây. Tôi thì mua thực phẩm đủ dùng trong tuần, còn chồng tôi thì đi gặp gỡ đồng hương”. Khách đến đây không chỉ để mua sắm mà còn xem đây là nơi giúp thư giãn cho cả nhà, như gia đình anh Paul, người Pháp, tuần nào anh chị cũng dắt hai con nhỏ đến chợ. Các cháu rất thích xem nặn tò he ngoài cổng chợ, còn chị Ray, vợ anh, thì chăm chú bên quầy rau sạch. Ngoài các quầy hàng bán thực phẩm và đồ dùng, khu chợ còn có những quầy lưu niệm và quầy sách, thu hút rất đông trẻ em, cả người Việt lẫn người nước ngoài. Em Minh, nhà ở gần đó, cho biết: “Tuần nào em cũng theo mẹ đi chợ, trong lúc chờ mẹ mua hàng thì em dạo quầy sách. Em học tiếng Pháp nên tìm được rất nhiều cuốn sách hay”.
Mở rộng và phát triển
Điều khiến khách hàng ấn tượng và quay lại chợ là hàng hóa được bày bán ở đây đều có nguồn gốc rõ ràng, do các cơ sở có uy tín cung cấp. Nếu những điều trên không làm vừa lòng khách hàng, người bán sẽ “củng cố niềm tin” bằng việc thử ngay thứ sản phẩm mà bạn cần mua ấy. Để làm được những điều như thế là do các chủ hàng chăm chút chu đáo từ khâu đặt hàng đến khâu kiểm duyệt để đảm bảo hàng đến tay khách không gặp bất cứ sự cố nào. Chị Marie Lahouati, chủ quầy sách chia sẻ: “Khách hàng đến đây không chỉ có người nước ngoài mà còn có rất nhiều người Việt, nhất là các em học trường chuyên ngữ. Mỗi tuần, tôi lựa chọn một chủ đề sách để mang đến chợ. Tuy không giảm giá nhiều như các quầy bán lẻ ở phố Nguyễn Xí nhưng quầy sách của tôi luôn có một lượng khách quen đáng kể”.
Gian hàng của anh Alain Fioruci |
Không chỉ nổi tiếng vì sản phẩm sạch, không khí vui tươi, chợ phiên Tây Hồ còn được biết đến vì có một gian hàng đặc biệt của nhóm Little Tigers. Đây là nhóm bán hàng từ thiện do một số phụ nữ nước ngoài tại Hà Nội lập ra nhằm quyên góp, ủng hộ cho các trẻ em khuyết tật và mồ côi. Sản phẩm của gian hàng này chủ yếu là quần áo cũ và một số đồ dùng khác do chính khách hàng quen mang đến quyên góp. Không chỉ “nổi tiếng” về thời gian nhóm họp hết sức đặc biệt mà phiên chợ này còn được coi là “phiên chợ sạch” theo rất nhiều ý nghĩa của nó. Ngoài việc không bị thu tiền phương tiện, chợ còn nổi tiếng về cái sự “sạch” bằng những nụ cười của nhân viên bán hàng. Dù là đến chợ chơi, tìm hiểu hay chỉ để xem giá đều được đối đãi nồng nhiệt. Chợ chỉ có tiếng cười vui giữa người bán và người mua, thân thiện vô cùng.
Với những nét “độc đáo” và khác biệt với những phiên chợ Việt, chợ Tây ngày càng thu hút nhiều người tìm đến. Cũng từ những thành công ban đầu gặt hái được, sắp tới sẽ có thêm một phiên chợ Tây nữa ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính. Ngoài công việc chính là cung cấp cho khách hàng các loại sản phẩm tiêu dùng an toàn nhất, chợ còn thu hút nhiều công ty, cá nhân khác tham gia vào việc bán hàng, gây quỹ từ thiện.
Hà An