Người lái đò “đặc biệt”
Nói anh Trọng là người lái đò “đặc biệt” không sai. Bốn năm làm nghề lái đò, anh không quản nắng mưa, ngày đêm chở người dân trong thôn, trong xóm qua sông mà không nhận tiền công. Nhiều người cho rằng, anh “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, cũng có người hoài nghi “thanh niên sức dài, vai rộng, gánh trên vai cả gia đình mà đi chèo đò không lương thì quả là lạ”. Nhưng khi trò chuyện với anh, chúng tôi hiểu được những hy sinh thầm lặng của người thanh niên ấy.
Thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long có hơn 130 hộ gia đình với 450 nhân khẩu chia làm 5 xóm. Vì điều kiện tự nhiên mà xóm 5 (còn gọi là xóm Đồng Trượng) bị chia cắt với các xóm khác trong thôn bởi dòng sông Hóa giáp ranh với xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Từ lâu, việc đi lại của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn. Học sinh, người dân trong làng muốn đến trường, đến trung tâm xã đều phải qua khúc sông này.
Do vậy, chính quyền địa phương đã dành kinh phí mua sắm phương tiện và cắt cử người làm nhiệm vụ chở đò. Chỉ được một thời gian, lần lượt những chủ đò đều xin nghỉ vì công việc phải thức khuya dậy sớm, mưa nắng mệt nhọc mà công cán chẳng đủ mưu sinh. Thêm nữa, từ ngày Nhà nước quy định những người chở đò phải có chứng chỉ hành nghề khiến cho việc “tuyển” người chèo đò của xã Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn.
Có lẽ, người chèo con đò này lâu nhất và cũng là người “tiền nhiệm” của anh Trọng là ông Trần Văn Khương người thôn Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo. Ông Khương chèo đò được khoảng chục năm, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên ông xin nghỉ từ cuối năm 2014.
Vốn sinh ra ở xóm Đồng Trượng, hiểu được nỗi vất vả của bà con trong xóm mỗi khi đi lại đặc biệt là các cháu nhỏ phải đi học hàng ngày, anh Trọng đã tình nguyện thay chân ông Khương để chở đò.
Anh Trọng kể: Ban đầu gia đình và vợ tôi không đồng ý vì việc chèo đò công sá kiếm được chẳng là bao lại phải thức khuya dậy sớm trong khi đi làm thợ xây hay vào làm công nhân đồng lương ổn định hơn nhiều. Nhưng tôi hiểu được nỗi khát khao của dân làng khi cần có một con đò an toàn để qua sông, sự cần thiết phải đến trường của những đứa trẻ thôn Đồng Trượng quê tôi. Từ đó, tôi quyết định tình nguyện làm lái đò.
Mặc dù, hàng ngày phải chi phí tiền xăng dầu và hàng tháng phải nộp 200.000 đồng tiền phí về UBND xã Vĩnh Long, nhưng 4 năm qua anh Trọng đều không lấy một đồng tiền công nào của người dân trong xã. Thu nhập giúp anh trang trải cuộc sống là do những người ngoài xã mỗi lần quá giang đóng góp.
Chở những ước mơ
Anh Trọng nhận giấy khen của Ban Thường vụ Huyện đoàn Vĩnh Bảo Ảnh nhân vật cung cấp |
Đã 4 năm qua anh Trọng cần mẫn, gắn bó với công việc chèo đò. Từ khi con đò có anh Trọng điều khiển, người dân ở bên kia bờ sông Hóa đã kịp giờ đi làm, trẻ em kịp giờ đến trường, tiếp tục thắp sáng ước mơ của bao đứa trẻ hiếu học.
Với dáng người nhỏ nhắn, làn da rám nắng, khuôn mặt gầy gầy, xương xương và đôi mắt sâu thẳm suy tư, anh Trọng chia sẻ: “Tôi coi lái đò chở khách qua sông mỗi ngày như một công việc tự nguyện, không mưu lợi, không toan tính để kiếm tiền và lấy sự nổi tiếng. Tôi làm theo những gì mình nghĩ, chỉ mong người dân kịp giờ đi làm, con em của chúng tôi không bị trễ giờ đến lớp, để học lấy kiến thức mai sau dựng xây quê hương, đất nước”.
Ngồi trò chuyện với anh Trọng chừng nửa giờ đồng hồ nhưng anh nhấp nhổm không yên, bởi hễ có người gọi đò là anh lại xin phép đứng lên làm việc. Câu chuyện anh kể về cuộc sống, về nghề nghiệp liên tục bị gián đoạn nhưng nó là những mảnh ghép hoàn hảo về một người thanh niên có nghĩa cử cao đẹp.
Trong một lần lái đò vào tháng 9/2017, thấy có một xà lan bị chìm và trên đó có người, anh Trọng đã lao xuống dòng sông, cứu được ba người trong đó có một cháu bé. Để ghi nhận và động viên kịp thời tinh thần dũng cảm của anh, Ban Thường vụ Huyện đoàn Vĩnh Bảo đã tặng giấy khen cho anh.
Tiếp câu chuyện về nghề sông nước, anh Trọng tâm sự, mỗi ngày có tới hàng trăm chuyến đò qua lại trên con sông Hóa này. Đều đặn, anh dậy từ 4 giờ sáng để chở chuyến đò đầu tiên, chuyến muộn nhất nhiều khi đến 9 giờ tối là lúc các học sinh đi học thêm về. Đặc biệt, khi vào vụ mùa màng, chuyến đò của anh còn nặng trĩu thóc lúa thu hoạch của các gia đình trong thôn.
Bà Nguyễn Thị Bình (55 tuổi), người xóm Trượng cho biết: Trọng là người lái đò rất trách nhiệm. Mặc dù công việc vất vả, nhưng chưa bao giờ anh ấy cằn nhằn nửa lời. Một ngày ít nhất chúng tôi phải qua sông một lần để đi chợ, hay làm đồng... mà không có anh ấy chở thì không biết làm cách nào.
Ông Nguyễn Phú Tường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho hay: Anh Trọng là một người tận tâm trong công việc. Dù thu nhập từ công việc chèo đò không đáng là bao nhưng anh vẫn ngày đêm phục vụ nhân dân.
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Trọng nói: “Tôi ước trong tương lai không xa sẽ có một cây cầu nối liền hai bờ sông Hóa để người dân xã tôi đỡ vất vả mỗi lần qua sông”. Câu nói tưởng chừng giản dị nhưng thật ý nghĩa bởi đó cũng là ước mong của đông đảo người dân xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.