(GD&TĐ) - Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng vừa ra Thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng về kết quả đợt kiểm tra công trình thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc huyện Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam) sau trận động đất 4,7 độ rích te ngày 16/11 xảy ra trong khu vực lòng hồ công trình thủy điện.
Khẩn trương đánh giá xu hướng diễn biến của động đất
Kết luận cho thấy đập công trình thủy điện “vẫn an toàn sau động đất”. Tuy nhiên, vấn đề động đất đòi hỏi phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt khoa học; mặt khác, các tác động của động đất đã làm nứt nhiều công trình xây dựng lân cận, đặc biệt là nhà ở của nhân dân, gây ra tâm lý lo lắng, hoang mang làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của người dân tại khu vực huyện Bắc Trà My.
Xuất phát từ yêu cầu an toàn cho người dân là số một, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng - đề nghị phải thực hiện nghiêm túc ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 22/9/2012, trước mắt chưa cho tích nước và tổ chức thực hiện khẩn trương việc đánh giá toàn diện về động đất, đặc biệt là động đất kích thích. Việc quyết định cho tích nước hay không tích nước vĩnh viễn đối với hồ chứa chỉ được thực hiện khi đã có kết quả đánh giá toàn diện về động đất.
Với vai trò là chủ đầu tư công trình, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được yêu cầu tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt, sửa chữa, hiệu chỉnh các thiết bị quan trắc công trình theo đề nghị của tư vấn AF- Colenco; đồng thời phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm hoàn thiện công tác lắp đặt các thiết bị quan trắc động đất, đặc biệt là những thiết bị quan trắc gia tốc nền. Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu khẩn trương thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tiến hành đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2; sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình này và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Việc tích nước hay không đối với hồ chứa Thủy điện Sông Tranh chỉ được thực hiện khi đã có kết quả đánh giá toàn diện về động đất |
Đối với các đơn vị có liên quan như Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Viện Vật lý địa cầu được Hội đồng nghiệm thu yêu cầu khẩn trương thuê các tổ chức tư vấn, chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm tiến hành đánh giá toàn diện về động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2; sớm kiểm tra số liệu động đất cực đại và đánh giá xu hướng diễn biến của động đất kích thích để có cơ sở quyết định các biện pháp ứng xử đối với công trình thủy điện Sông Tranh 2 và các công trình xây dựng khác trong khu vực chịu ảnh hưởng.
Cần có chính sách hỗ trợ cải tạo nhà an toàn cho dân
Đối với các đơn vị trực thuộc sự quản lý của mình như: Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng; Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ tiếp tục thành lập đoàn công tác, phối hợp với địa phương để khảo sát, hướng dẫn sửa chữa, gia cố và tăng cường độ chịu lực nhà ở và công trình công cộng trong khu vực để ứng phó với tác động của động đất. Theo Bộ Xây dựng, cần có các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ nhân dân địa phương trong việc sửa chữa nhà ở; có thể xây dựng lại nhà ở đối với các hộ dân đã có nhà ở nhưng không đảm bảo an toàn khi động đất xảy ra.
Với chức năng quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng các công trình chuyên ngành, Bộ Công thương được yêu cầu cần sát sao chỉ đạo EVN tập trung hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương sửa chữa nhà hư hỏng; thực hiện các chương trình hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng như đã cam kết và một số hạng mục công trình phát sinh theo lộ trình phù hợp như đề nghị của địa phương. Cùng đó, các Ban, ngành của tỉnh Quảng Nam và huyện Bắc Trà My nên chủ động phối hợp với các Bộ ngành trung ương, chủ đầu tư, các bên liên quan để tổ chức thực hiện công việc nêu trên, nhất là xử lý kịp thời các tình huống đột xuất phát sinh.
Thông báo cũng nêu rõ, công trình Thủy điện Sông Tranh 2 do EVN làm chủ đầu tư. Tháng 10/2011, công trình được tích nước đến cao trình mực nước dâng bình thường 175m. Đến tháng 3/2012, công trình bị thấm nước qua đập ra phía hạ lưu. Trước tình hình đó, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư khắc phục sự cố, đề nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn độc lập nước ngoài (công ty AF-Colenco của Thụy Sỹ) tiến hành kiểm tra lại toàn bộ các vấn đề an toàn đập.
Đến nay, việc chống thấm đã hoàn thành và kết quả chống thấm là đạt yêu cầu, cụ thể lưu lượng thấm hiện tại ổn định ở mức 3lít/s, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của thiết kế và cũng thấp hơn so với lưu lượng thấm ở một số đập thủy điện khác.
Như Nguyễn