Cho học sinh nghỉ học là hợp lý

Cho học sinh nghỉ học là hợp lý

Cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh

Theo PGS.TS.BS Võ Văn Bản – Phó Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt – Pháp Hà Nội, việc các địa phương cho học sinh tạm thời nghỉ học 1 tuần để phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây là rất hợp lý. Nếu cẩn thận hơn có thể cho học sinh nghỉ học 2 tuần, vì môi trường học đường có số lượng người lớn.

Thời điểm này, các địa phương cần tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh của các nước, đặc biệt là của Việt Nam để quyết định có tiếp tục cho học sinh tạm thời nghỉ học hay không. Trong thời gian này, nếu không có nguy cơ phát sinh dịch, lúc đó các địa phương mới quyết định cho học sinh trở lại việc học tập bình thường.

PGS Võ Văn Bản cho biết: Thông thường dịch bệnh được phân loại theo 4 cấp độ. Cấp độ 1: Có trường hợp bệnh xâm nhập (Hiện nay, dịch n-CoV của Việt Nam đang nằm chủ yếu ở cấp độ 1). Cấp độ 2: Dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Cấp độ 3: Dịch bệnh lây lan trên địa bàn thành phố với trên 20 trường hợp mắc. Cấp độ 4: Dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng với trên 1.000 trường hợp mắc. “Việc cho phép học sinh, sinh viên tạm thời nghỉ học phụ thuộc vào cấp độ dịch bệnh là chính. Khi dịch bệnh ở cấp độ 2 trở lên (dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng) thì bắt buộc phải cho học sinh, sinh viên nghỉ học” - PGS Võ Văn Bản nhấn mạnh.

PGS Võ Văn Bản khuyến cáo, n-CoV phát triển mạnh khi thời tiết lạnh và ẩm, ngoài việc sát khuẩn, khử trùng, vệ sinh trường lớp; nếu thời tiết không quá lạnh, các lớp học nên mở cửa thông thoáng vì khi thời tiết nắng nóng sẽ hạn chế sự phát triển của n-CoV. Các nhà trường nên định kỳ khử trùng, sát khuẩn và vệ sinh trường, lớp theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Trường hợp có người nghi nhiễm n-Cov cần được vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn hàng ngày. Nếu không, 2 - 3 tuần thực hiện một lần. Việc giáo viên và học sinh đeo khẩu trang trong dạy – học là cần thiết, vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus n-CoV gây ra có thể lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh và lây truyền qua đường hô hấp như: Ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc qua bàn tay bị nhiễm mầm bệnh tiếp xúc với mắt, mũi miệng…

Thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đeo khẩu trang là một trong những biện pháp phòng bệnh do n-CoV nhưng chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để đảm bảo việc phòng bệnh được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Cùng với đeo khẩu trang, cần phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và các dung dịch sát khuẩn nhanh; Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2 m khi tiếp xúc; Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Tăng cường thông khí khu vực phòng học bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

Nếu phát hiện học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải cho học sinh nghỉ học, yêu cầu đeo khẩu trang bảo vệ và thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cũng có nhiều nguồn tin chưa thực sự tin cậy được phổ biến, gây ảnh hưởng tâm lý xã hội. Người dân cần thực hiện tốt các khuyến cáo của Bộ Y tế, thực hiện tốt các hướng dẫn của chính quyền địa phương. Thông tin chính thống về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống thường xuyên được đăng tải trên trang web của Bộ Y tế: moh.gov.vn và của Cục Y tế dự phòng: vncdc.gov.vn.                              PGS.TS Trần Đắc Phu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ